Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 29/4, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt trả lời câu hỏi về việc truyền thông Đài Loan đưa tin tàu sân bay Sơn Đông, cùng với tàu đổ bộ tấn công Trung Quốc, ngày 28/4 rời khỏi cảng từ căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Theo ông Đoàn Khắc Việt, lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành trên cơ sở Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển tại các vùng biển được xác lập phù hợp với công ước.
"Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực để thực hiện mục tiêu và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thượng tôn pháp luật tại Biển Đông", phó phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
Hình ảnh tàu sân bay Sơn Đông xuất hiện trên kênh truyền hình CCTV hồi đầu tháng 4. Ảnh: CCTV. |
Trước đó, hôm 6/4, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đăng tải video cho thấy công tác chuẩn bị sẵn sàng ra khơi của tàu sân bay Sơn Đông.
“Tàu Sơn Đông có thể sẽ bắt đầu các cuộc tập trận và huấn luyện trên biển vào cuối năm nay. Đây là bước cần thiết để tàu đạt được năng lực hoạt động ban đầu (IOC)”, một nguồn thạo tin nói với South China Morning Post.
Zhou Chenming, chuyên gia tại viện nghiên cứu quân sự Yuan Wang, cho biết: "Sau khi được bàn giao cho hải quân (từ công ty đóng tàu), tàu sân bay phải mất ít nhất 18 tháng để đạt được mức IOC, vì có hàng nghìn hạng mục cần kiểm tra và phê duyệt".
Trước đó, tàu sân bay Sơn Đông neo đậu ở Tam Á, thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc. Tàu đi vào hoạt động từ năm 2019.
Theo Lu Li-Shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan, từ khi được bàn giao, tàu Sơn Đông có 9 lần ra biển, chủ yếu ở khu vực vịnh Bột Hải và gần với căn cứ trên đảo Hải Nam của Trung Quốc.