Trên những ngọn đồi khô cằn ở phía nam bang Sonora, ông Marco Antonio Gutierrez đi dạo quanh một khu đất trống, đếm số bò chết.
Có 7 xác thối rữa - xương sườn nhô ra và bộ da teo tóp lại. Chín con bò đã chết vì nóng và đói.
“Chúng không có gì để ăn”, giọng ông Gutierrez vang lên dưới chiếc mũ rộng vành che đi đôi mắt u ám của mình. “Ở đây từng có những trang trại chăn nuôi lớn. Bây giờ chỉ còn là nỗi buồn".
Hai năm hạn hán khắc nghiệt đã biến những dải đất rộng lớn phía bắc Mexico thành những bãi tha ma. Nạn đói đã khiến số lượng gia súc ở Sonora đã giảm từ 1,1 triệu con xuống còn khoảng 635.000 con.
Đó là mất mát không thể tưởng tượng nổi đối với một bang nổi tiếng thế giới với những con bò chất lượng cao, nơi thịt bò không chỉ là một phần quan trọng của chế độ ăn uống và kinh tế, mà còn là truyền thống gắn kết các gia đình với nhau.
Ông Marco Antonio Gutierrez, một chủ trang trại ở bang Sonora, Mexico, đứng giữa những xác gia súc chết đói. Ảnh: Los Angeles Times. |
Bản sắc văn hóa lâu đời
Ông Gutierrez, 55 tuổi, chẳng phải ai xa lạ với cư dân địa phương. Ở đây ai cũng biết ông sinh ra để làm chủ trang trại. Năm 10 tuổi, ông đã biết cách kéo một con bê ra từ bụng mẹ.
Giờ đây, ông và những người bạn đang chờ mưa xuống trong tuyệt vọng.
Ông Gutierrez không sử dụng cụm từ “biến đổi khí hậu” để mô tả những gì đang xảy ra, nhưng ông than thở rằng năm nào cũng có vẻ khô và nóng hơn năm ngoái. Trong những tháng gần đây, ông bất lực nhìn 70 trong số 100 con bò của mình chết đói.
Trong khi thưởng thức cà phê và thịt machaca tại một cửa hàng, ông Gutierrez cùng người bạn Julio Aldama Solis suy nghĩ liệu họ nên bán đấu giá số gia súc còn lại hay tiếp tục đấu tranh cho chúng.
Việc bán gia súc đi sẽ rất đau lòng, Aldama nói. Thứ họ bán không chỉ là bản sắc cao bồi mà còn là di sản của gia đình.
“Tưởng tượng mà xem - tất cả sự hy sinh của ông bà và cha mẹ bạn sẽ đổ xuống sông bể”, ông Aldama, 56 tuổi, một chủ trang trại giàu có ở hạt Cajeme, nói.
Gutierrez nhấp một ngụm cà phê. Có một lý do khiến ông bám trụ với đàn gia súc của mình cả trong đợt hạn hán tồi tệ nhất, khi những con vật chết dần trước mặt ông.
Chính cha ông, người đã mất từ lâu, đã dạy ông biết trân trọng sự gian khổ nhưng đầy vinh quang của cuộc sống trang trại.
Ông yêu bầy gia súc của mình. Chúng sống cùng gia đình ông và giúp họ duy trì về mặt tài chính. Hàng năm, những con bò cái sinh ra những con bê mà ông có thể bán với giá khoảng 600 USD mỗi con trong các cuộc đấu giá.
Sorona là nơi có lá cờ tiểu bang in hình con bò đực, là nơi các gia đình tụ tập vào mỗi chủ nhật xung quanh lò nướng than và thưởng thức thịt bò. Ảnh: Los Angeles Times. |
Xuất khẩu thịt hay xuất khẩu nước?
Tiếng ve kêu o o. Đó là một dấu hiệu tốt.
Nhiều người ở vùng này tin rằng tiếng ve kêu báo hiệu một cơn giông đang ập đến.
“Tất cả đang cầu nguyện Trinh nữ Guadalupe ban mưa xuống”, Aldama nói.
Đã có một vài cơn bão lớn ở các khu vực khác của bang, đủ để gây ra lũ lụt ở thành phố biên giới Nogales. Tuy nhiên, 97% các thành phố ở Sonora vẫn đang trong tình trạng khô hạn, một số cơn mưa lác đác ở phía nam còn không đủ cho cỏ mọc.
Còn chưa đến trưa và nhiệt độ là 40 độ C. Dưới cái nắng chói chang trên đường đi thăm trang trại, Gutierrez và những người bạn lướt qua hàng nghìn con gia súc, nhiều con gầy đến mức trông như những bộ xương lang thang trên đồi.
Trong nhiều tháng, các chủ trang trại phụ thuộc vào cỏ linh lăng để chăn nuôi gia súc. Những cánh đồng linh lăng này được tưới bằng nguồn nước từ giếng tư nhân hoặc một con đập gần đó. Nhưng khi mực nước đập xuống thấp kỷ lục, chính quyền đã cắt nguồn nước cho các trại chăn nuôi, để dành nước cho sinh hoạt.
Giá cỏ linh lăng tăng gấp đôi, khiến nhiều người không thể mua. Nhiều người khoan giếng, nhưng với mực nước ngầm cũng đang giảm, xem ra đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Một công nhân bốc cỏ linh lăng ở Cocorit, Sonora. Ảnh: Los Angeles Times. |
Trên đường đi, nhóm bạn của Gutierrez gặp ông Jesús Arvizu Valenzuela, một người quen, đang cắt cỏ trên một cánh đồng nổi tiếng là tươi tốt. Nhưng Arvizu, 68 tuổi, nói với họ rằng cánh đồng sẽ sớm trở nên hoang hóa, chuyển thành màu nâu giống như vùng đất không được tưới tiêu bao quanh nó.
“Họ sẽ không cung cấp nước cho chúng ta nữa”, ông nói.
"Các giếng cũng không còn nước?", Alcala hỏi.
Ông Arvizu lắc đầu. “Chúng cạn rồi”.
Luôn có những giai đoạn hạn hán mà các chủ trang trại phải chịu đựng - nhưng trong những thập kỷ gần đây, biến đổi khí hậu đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Lượng mưa trung bình giảm dần trong nhiều năm. Vào nửa sau của thế kỷ này, các chuyên gia khí hậu dự đoán rằng Sonora sẽ nhận được lượng mưa ít hơn từ 20% đến 30% so với hiện nay và thường xuyên chứng kiến nhiệt độ cao tới 50 độ C.
Bà América Lutz Ley, một nhà nghiên cứu sử dụng đất tại Sonora, tin rằng việc chăn thả gia súc theo hình thức hiện tại là không bền vững, phần lớn do lượng nước khổng lồ cần dùng để trồng thức ăn cho gia súc.
“Chúng tôi sống trên sa mạc nhưng thực chất đang kinh doanh xuất khẩu nước dưới hình thức chăn nuôi”, bà nói.
Hơn nữa, thực tế là gia súc thải ra một lượng khí mêtan đáng kể - nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu. Ba mươi tư triệu con gia súc của Mexico là nguyên nhân gây ra khoảng 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia này.
Bà Lutz mong muốn chính trị can thiệp nhiều hơn để thúc đẩy các lựa chọn thay thế cho việc chăn nuôi gia súc. Nhưng bà thừa nhận rằng những thay đổi lớn khó có thể xảy ra chừng nào giá thịt bò vẫn ở mức cao và bò tiếp tục là biểu tượng bản sắc của Sonora.
Một ngư dân quăng lưới ở hồ chứa Agua Caliente ở Cajeme, Sonora. Hạn hán đã làm mực nước giảm xuống dưới mức bình thường. Ảnh: Los Angeles Times. |
Không dễ thay đổi văn hóa.
Ông Gutierrez biết điều đó. Đối với ông và những người bạn, làm chủ trang trại không chỉ là một kế sinh nhai - đó là một cách sống.
Khi họ tiếp tục lái xe, bầu trời bắt đầu tối. Một vài hạt mưa nhỏ rơi trên kính chắn gió của xe tải. Có vẻ như những con ve sầu đã đúng.
Aldama bật cần gạt nước trên ô tô. Nhưng một phút sau, mưa tạnh và ông tắt chúng đi.
Quyết định đau đớn
Trong những tháng nóng nhất của đợt hạn hán, ông Aldama đã giữ cho hầu hết gia súc của mình sống sót bằng cách trồng cà rốt cho chúng ăn.
Ông bà của ông đã thành lập trang trại này, phát triển nó từ chỉ một vài con gia súc thành một công việc kinh doanh béo bở. Gần đây, con cháu của họ đã bàn bạc, và đi đến một quyết định đau đớn. Trừ khi có những đợt mưa lớn trong tháng 8, gia đình sẽ bán đi một nửa đàn gia súc. Ở những nơi mà đồng cỏ từng mọc lên, họ đang nghĩ đến việc trồng một loại cây nông nghiệp cần ít nước.
“Tôi không nhìn thấy tương lai trong việc chăn nuôi gia súc”, giọng Aldama như vỡ vụn.
Người đàn ông bất lực chứng kiến đàn gia súc của mình chết đói do hạn hán. Ảnh: Los Angeles Times. |
Nhưng sức mạnh của truyền thống rất mạnh mẽ. Đôi khi, nó hơn cả lý trí.
Ông Gutierrez đang làm mọi cách để tiếp tục cho những con bò của mình ăn. Để có tiền, ông đã bán cá rô phi và cá chép đánh bắt từ đập địa phương. Nhưng công việc kinh doanh đó đã sụp đổ khi con đập gần như khô cạn.
Ông không biết phải làm gì, cố gắng gây dựng lại đàn bò hay từ bỏ.
“Tôi đã quá già để học điều gì đó mới”, ông Gutierrez nói.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục chăn thả cho đến khi tất cả bò chết, hoặc là chúng tôi".