Buổi trưa giữa tháng 6, nghe vợ gọi, ông Phạm Văn Ngân (50 tuổi, xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) tất tưởi chạy từ ngoài vườn vào nhà. Đứa con gái không chịu ăn, lại đưa tay đánh loạn xạ nên vợ ông phải gọi gấp chồng vào giúp.
Cực chẳng đã ông Ngân đành dùng dây thừng trói hai tay con lại. Sau chục phút được mẹ vỗ về, cô con gái mới chịu ăn được vài thìa cháo.
Thấy người lạ, cậu con trai trong căn phòng bếp nhảy chồm lên cửa sổ, miệng hò hét. Yên tĩnh được chốc lát, cậu lại dùng tay đấm vào cửa như muốn phá chốt để chạy ra. Nhiều nhà hàng xóm bị đánh thức giấc ngủ trưa, nhưng không ai phàn nàn.
Mỗi khi có việc cần kíp đi ra ngoài, hay khi Nguyệt lên cơn, người cha phải xích chân con lại. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Lau giọt mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ, ông Ngân kể, năm 1988, sau khi xuất ngũ về quê, ông nên duyên với bà Dương Thị Ý. Vợ chồng ông lần lượt sinh được ba đứa con khỏe mạnh, thông minh.
Ngày đầu tháng 6/2005, người con gái đầu Phạm Thị Nguyệt (lúc ấy 14 tuổi, vừa học xong lớp 8), mang sọt đi cắt cỏ giúp bố mẹ. Mãi chiều tối, không thấy Nguyệt về, gia đình cùng xóm làng đi tìm thì thấy cháu ngồi thất thần dưới gốc cây trên đồi. Gặp mọi người, cô bé chẳng nói năng gì.
“Vài hôm sau thì cháu phát chứng bệnh tâm thần rất nhanh. Chúng tôi đưa con đi bệnh viện chữa trị nhưng các bác sĩ đều lắc đầu”, ông Ngân kể.
Từ khi phát bệnh, Nguyệt suốt ngày hát hò, nhảy múa. Mỗi khi lên cơn, cô gái còn đưa tay đấm liên tiếp vào mặt. Chẳng còn cách nào khác, ông Ngân đành xích chân con vào cửa sổ, dùng dây thừng trói hai tay lại.
Bốn năm sau, tai họa lại một lần nữa giáng xuống gia đình bất hạnh. Đứa con trai út Phạm Văn Hưng bị hoang tưởng, trí nhớ đảo lộn. “Hai hôm liền, nó nhìn thời khóa biểu soạn sách vở để đi học mà cứ bị nhầm. Tôi nhắc rồi mà nó vẫn cứ khăng khăng cãi rồi nhìn đăm chiêu vào bức tường…”, người mẹ bỏ dở câu nói.
Nước mắt lưng tròng, bà kể tiếp, nghi con bị bệnh giống chị gái, gia đình tức tốc đưa đi Hà Nội khám. Khi nhìn kết quả bệnh án trên tay, ông bà như chết lặng. Hưng mắc chứng tâm thần phân liệt.
Về nhà, ngày nào cậu cũng chửi bới, phá phách đồ đạc. Quần áo bố mẹ mặc vào, cậu xé bỏ, vứt khắp nơi. Đến bữa cơm, Hưng không chịu ăn, ánh mắt lơ đãng nhìn vô hồn. Mẹ dùng thìa đút, cậu còn đưa tay gạt phăng. Người mẹ lại lúi húi xuống bếp nấu lại. Tủi khổ, nhưng bà Ý chẳng bao giờ dám khóc hay than vãn một lời.
Suốt 10 năm nay, ông bà chẳng đêm nào được ngủ yên vì hai đứa con thay nhau quậy phá, la hét, hết khóc rồi lại cười. Những lúc ấy, ông bà phải thay nhau dỗ dành, dùng những lời ngon ngọt để khuyên con nhằm giữ giấc ngủ cho làng xóm.
Để Hưng khỏi đập phá, vợ chồng ông Ngân phải nhốt con trong căn phòng tách biệt. Ảnh: Nguyễn Dương. |
“Hiếm lắm mới có hôm hai đứa nó nghe, còn đa số cứ phá phách thêm. Biết nỗi khổ của gia đình ông Ngân đã vậy, chúng tôi cũng không trách móc gì”, anh Hán Văn Dinh (25 tuổi, hàng xóm) bày tỏ.
Một năm trước, thấy căn nhà ông Ngân đang ở chật chội, họ hàng, chính quyền hỗ trợ cho gia đình một khoản tiền để xây thêm căn phòng nhỏ. Khi căn nhà hoàn thành, ông bà nhốt con trai vào đó, khóa chặt cửa.
Bà Ý nghẹn ngào: “Phải tách hai đứa ra, chứ ở gần nhau là chúng nó thi nhau gào thét, đập phá, làng xóm không được phút nào yên. Nếu đi làm đồng thì chúng tôi phải xích chân lại, nếu không cháu sẽ phá cửa chạy mất”.
Người phụ nữ tuổi ngũ tuần cho biết thêm, cả gia đình trông chờ vào 3 sào ruộng. Nhưng đến mùa gặt cũng ít đi làm được vì phải ở nhà trông con. Việc đồng áng đành thuê người khác làm giúp. Mấy năm nay, đứa con trai thứ 2 đi làm thuê ở miền Nam cũng giúp gia đình được phần nào. Nhưng rồi ông bà cũng dành hết vào việc chăm lo, thuốc thang, chạy chữa cho Nguyệt và Hưng. Đến nay, số tiền gia đình vay mượn đã lên đến hàng chục triệu đồng.
Ông Phạm Văn Bỏ, Trưởng thôn 5 (xã Hà Lâm) cho biết, gia đình ông Ngân thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn của địa phương. Vì chăm lo cho hai đứa con mắc bệnh tâm thần nên gia đình ông Ngân chẳng những khánh kiệt mà còn nợ nần nhiều.
“Chính quyền có hỗ trợ cho mỗi cháu 270.000 đồng mỗi tháng. Bà con lối xóm ai cũng thương tình nhưng đa phần nhà nào cũng khó khăn nên không giúp được nhiều”, ông Bỏ nói.