Theo Bloomberg, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, những vấn đề trong hệ thống hành chính số của chính phủ Nhật chỉ đơn thuần gây ra phiền toái. Tuy nhiên, giờ đây, điều này lại là rào cản lớn cho quá trình phục hồi kinh tế nước này hậu Covid-19.
Hệ thống công nghệ hành chính lạc hậu đã khiến việc phân bổ tiền cứu trợ từ chính phủ tới các đối tượng trong đại dịch bị chậm trễ. Để giải quyết vấn đề này, vào tháng trước, Tokyo đã đưa đề án “Chính sách số mới” vào mục tiêu chính sách năm, nhằm tập trung đầu tư thúc đẩy chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và cập nhật website. Tuy nhiên, ngân sách cho việc này chưa được công bố.
Theo các nhà phân tích, dịch vụ số tụt hậu trong bộ máy hành chính Nhật Bản đã làm giảm hiệu quả của các gói kích thích tài khóa và đang ảnh hưởng năng lực cạnh tranh chung của quốc gia này khi kéo tụt tiến bộ công nghệ của khu vực tư nhân.
Bộ máy hành chính tụt hậu đang cản trở Nhật phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Ảnh: Japan Times. |
Theo nhà kinh tế Yukio Noguchi - tác giả của một số cuốn sách về công nghệ và kinh tế Nhật, “Nhật Bản đang đi sau thế giới khoảng 20 năm” về công nghệ trong lĩnh vực hành chính".
“Nước này cần phải thoát khỏi hệ thống hành chính chủ yếu dùng giấy tờ và con dấu càng sớm càng tốt”, ông Noguchi cho biết.
Dù là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Nhật Bản chỉ xếp thứ 23 trong số 63 quốc gia trong khảo sát về năng lực cạnh tranh kỹ thuật số được thực hiện bởi Viện Quản lý và Phát triển Quốc tế.
Trước thực trạng này, chính phủ Nhật đã lập đề án “Chính sách số mới” nhằm nâng cấp các dịch vụ hành chính lỗi thời. Hiện tại, dù chính phủ muốn đưa chữ ký số vào sử dụng rộng rãi trong hệ thống hành chính, nhiều giấy tờ chính thức vẫn cần có con dấu. Việc này khiến nhiều giao dịch khó có thể được thực hiện trực tuyến và khiến nhiều người gặp khó khăn khi làm việc tại nhà trong đại dịch.
Theo nhà kinh tế học Takuya Hoshino của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, bộ máy quan liêu cũng khiến việc phân bổ đầu tư cho phần mềm máy tính bị cản trở. Trong hệ thống kế toán của chính phủ Nhật, phần mềm máy tính được phân vào loại “phi trọng yếu”. Điều này có nghĩa là yêu cầu phân bổ đầu tư vào hệ thống phần mềm trải qua quy trình phê duyệt khó khăn hơn so với đầu tư xây dựng cầu, đường. Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này thường được lấy từ nguồn thu trái phiếu. Vì vậy, quan chức nước này không mấy mặn mà với việc đưa ra những đề xuất tốn kém, trong bối cảnh Nhật là một trong những nước phát triển có gánh nợ công lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang khiến cái giá phải trả khi sở hữu một hệ thống hành chính lạc hậu trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
“Khả năng chúng ta phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng trong mỗi thập kỷ tiếp theo là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Hoshino nói. “Nếu không có cơ sở hạ tầng hỗ trợ, chính phủ Nhật không thể triển khai triệt để các chính sách của mình”.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, GDP quý II của nước này giảm 7,8% so với quý trước, tương đương mức sụt 27,8% tính theo năm. Đây là quý thứ ba liên tiếp kinh tế Nhật Bản lao dốc, cũng là cú sụt giảm GDP sâu nhất kể từ đầu thập niên 1980.