Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bộ mặt thật' của Tào Tháo

Không chỉ “ý kiến thời đại” khác nhau, mà “ý kiến lịch sử” cũng bất đồng, cộng thêm “ý kiến cá nhân” của từng người, “bộ mặt thật” của Tào Tháo càng khó làm rõ.

Bàn về Tam Quốc, thật ra là bàn về giai đoạn lịch sử này; mà nhân vật hàng đầu là Tào Tháo - người sáng lập trên thực tế của nhà Ngụy.

Đó là một nhân vật mà hàng trăm hàng nghìn năm nay khen chê khác nhau, khó lòng đánh giá tốt xấu công tội ngay cả sau khi đã mất.

Có vô số cách nói cách bình luận với nhiều bất đồng ý kiến về ông ta, quả thực hiếm thấy trên đời, hình tượng dân gian của ông ta lại càng tệ hại. Thế thì, con người thực của Tào Tháo trong lịch sử rốt cuộc như thế nào?

Bàn về Tam Quốc, trước tiên phải nói đến Tào Tháo. Hình tượng trong lịch sử của Tào Tháo không tốt lắm, nói khách sáo là “gian hùng”, còn nói không khách sáo là “gian thần”, thậm chí là “gian tặc”. Nhưng Lỗ Tấn cho rằng Tào Tháo là anh hùng.

Trong bài Mối quan hệ giữa phong độ Ngụy Tấn và văn chương với thuốc và rượu, Lỗ Tấn viết: “Tào Tháo là người rất có tài năng, ít nhất là một bậc anh hùng. Tuy không thuộc phe Tào Tháo, song bất kể ra sao, tôi vẫn khâm phục ông”.

Ở đây có ba cách đánh giá, cũng có ba hình tượng: anh hùng, gian hùng, gian tặc. Vậy cách đánh giá nào là chính xác nhất?

Thế thì phải làm rõ con người thực của Tào Tháo trong lịch sử rốt cuộc như thế nào. Quả không hề dễ dàng. Lỗ Tấn nói, đọc Tam Quốc diễn nghĩa, xem kịch Tam Quốc “không phải là cách quan sát Tào Tháo chính xác”.

Nguồn thông tin đáng tin cậy đương nhiên vẫn là sách sử. Nhưng Lỗ Tấn lại nói: “Ghi chép và nhận định trong lịch sử có lúc cũng không đáng tin, rất nhiều chỗ không tin được, vì thông thường như chúng ta biết, triều đại nào tồn tại lâu dài hơn thì ắt có nhiều người tốt; triều đại nào tồn tại ngắn ngủi hơn thì gần như không có người tốt nào".

Tào Ngụy vừa hay tồn tại trong thời gian rất ngắn, cho nên Tào Tháo “đương nhiên cũng không tránh khỏi thông lệ bị người triều đại sau nói xấu”. Nói xấu nhiều thì trở thành thành kiến. Thành kiến được truyền từ đời này sang đời khác thì ăn sâu khó sửa. Cụ thể với Tào Tháo, sự việc càng thêm phức tạp.

Hai cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn là Tư trị thông giámTam Quốc diễn nghĩa đều chẳng dành mấy thiện cảm cho họ Tào. Tam Quốc diễn nghĩa thì khỏi cần phải nói, xem Tào Tháo là “quốc tặc” rồi.

Còn Tư trị thông giám cũng cắt bỏ nhiều sử liệu có lợi cho Tào Tháo trong quá trình biên soạn. Thật ra đó cũng là một kiểu “ý kiến thời đại”. Đại khái, người thời Tống quá nửa là không thích Tào Tháo. Đông Pha chí lâm viết thời bấy giờ kể chuyện ở phố chợ, thính giả “nghe Lưu Huyền Đức bại trận bèn chau mày, có người còn rơi lệ; nghe Tào Tháo bại trận liền vui vẻ hát hò”.

Ấy là Bắc Tống. Nam Tống thì gần như công nhận Tào Tháo là “giặc”. Thời Nguyên, Minh, Thanh sau đó, về cơ bản Tào Tháo đều bị chửi rủa. Nói tốt cũng có, song không nhiều.

Tao Thao anh 1

Tạo hình Tào Tháo trong điện ảnh. Ảnh: T.P.

Đến giữa thế kỷ XVIII, vì một câu chốt hạ của Càn Long, Tào Tháo bị nhận định là “soán nghịch”, không thay đổi được nữa. Thật ra ngay từ thời Tấn, đánh giá về Tào Tháo đã bắt đầu xuất hiện sự bất đồng.

Ngụy thư của Vương Thẩm và Tục Hán thư của Tư Mã Bưu còn khẳng định Tào Tháo, thậm chí bẻ cong ngọn bút để bênh vực; Dị đồng tạp ngữ của Tôn Thịnh và Tào Man truyện của người Ngô thì không mấy khách sáo, vạch ra nhiều việc hung ác gian trá của Tào Tháo.

Nhà sử học Đông Tấn Tập Tạc Xỉ còn khởi xướng thuyết “soán nghịch”. Do đó đến thời Nam Bắc triều và Tùy Đường, các sử gia đều khen chê khác nhau, Tào Tháo bình truyện của Trương Tác Diệu còn miêu tả tường tận.

Rõ ràng đối với Tào Tháo, không chỉ “ý kiến thời đại” khác nhau, mà “ý kiến lịch sử” cũng rất bất đồng, cộng thêm “ý kiến cá nhân” của từng người, “bộ mặt thật” của Tào Tháo càng khó làm rõ.

Nhưng có thể khẳng định một điều: ông ta bị chửi. Trên đời không có niềm yêu thích vô duyên vô cớ, cũng chẳng có nỗi căm ghét vô duyên vô cớ. Tào Tháo bị mắng chửi đương nhiên có nguyên nhân.

Nguyên nhân là gì? Cũng có rất nhiều. Nhưng được nhắc tới nhiều nhất là “gian”. Lấy ví dụ, soán ngôi nhà Hán, theo người xưa là gian. Xảo trá, theo người xưa cũng là gian, song khiến dân chúng căm hận nhất vẫn là câu nói của Tào Tháo: “Thà ta phụ người trong thiên hạ, chứ không để người trong thiên hạ phụ ta”.

Một người, thà có lỗi với người khắp thiên hạ, cũng không để người trong thiên hạ có lỗi với mình, thì người đó quá xấu xa. Cho nên chúng ta phải làm rõ vụ việc này, xem đó có phải là sự thực không.

Chuyện này không thấy ghi chép trong Tam Quốc chí, chỉ thấy trong Ngụy thư, Thế ngữTạp ký của Tôn Thịnh được dẫn trong chú thích của Bùi Tùng Chi.

Sự việc đại khái là thế này. Sau khi vào kinh, Đổng Trác tiến cử Tào Tháo làm kiêu kỵ hiệu úy. Tào Tháo từ chối lệnh bổ nhiệm của Đổng Trác, trốn khỏi Lạc Dương, đi đường nhỏ về quê. Khi ngang qua nhà người bạn là Lã Bá Xa, ông ta đã giết cả nhà họ. Vì sao phải giết? Mỗi cuốn sách nói một kiểu.

Ngụy thư nói: “Bá Xa vắng nhà, con trai và tân khách của ông ta cùng đánh cướp Thái Tổ ý đồ lấy ngựa và đồ, Thái Tổ cầm dao giết luôn mấy người”. Thế ngữ nói: “Thái Tổ tự biết làm trái lệnh (Đổng) Trác, nghi họ có mưu đồ với mình, cầm kiếm giết tám người rồi bỏ đi ngay trong đêm”. Tạp ký của Tôn Thịnh nói: “Thái Tổ nghe tiếng dụng cụ nhà bếp, nghĩ là họ có ý đồ, bèn giết ngay trong đêm".

Xem ra, Tào Tháo giết cả nhà Lã Bá Xa là chuyện không có gì nghi vấn, chỉ có nghi vấn về động cơ giết người thôi. Theo cách nói của Ngụy thư, đó là phòng vệ chính đáng, hoặc phòng vệ quá mức. Theo cách nói của Thế ngữTạp ký của Tôn Thịnh thì là ngộ sát do quá đa nghi.

[…]

Song, “Thà ta phụ người trong thiên hạ, chứ không để người trong thiên hạ phụ ta” thì biến thành xưa nay vẫn thế, biến thành hùng hồn như đúng rồi, đó là tên đại gian tặc rồi còn gì. Bởi vậy, nếu chỉ dựa vào vụ việc này đã bảo Tào Tháo nham hiểm ác độc thì vẫn còn nghi vấn.

Cho dù như thế, Mao phê vẫn nói: “Đây vẫn là chỗ hơn người của Mạnh Đức”, “vẫn có thể xem là kẻ tiểu nhân nghĩ sao nói vậy”. Vì sao? Vì nếu là người khác chắc chắn ngược lại, họ sẽ nói thà người trong thiên hạ có lỗi với ta, ta không thể có lỗi với người trong thiên hạ. Song trên thực tế thì sao?

Trên thực tế họ đều làm như Tào Tháo (thử hỏi người trong thiên hạ ai không nghĩ vậy), nhưng “ai dám nói ra” chứ? Mọi người đều vờ làm chính nhân quân tử, chỉ có một mình Tào Tháo thẳng thắn thốt ra câu này.

Ít ra Tào Tháo dám nói những lời gian trá một cách công khai. Ông ta là “chân tiểu nhân”, không phải “ngụy quân tử”. Cho nên Mao phê nói, đây là chỗ hơn người của Tào Tháo, vì trên đời này ngụy quân tử quả thực quá nhiều.

Dịch Trung Thiên / Quảng Văn Books & NXB Dân Trí

SÁCH HAY

Loan 12 su quan hinh anh

Loạn 12 sứ quân

0

Sau khi Ngô Xương Xí chết, họ Ngô hết người kế vị. Trong nước một ngày không thể không có vua, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tôn hiệu là Vạn Thắng Vương.

Machiavelli hinh anh

Machiavelli

0

Leonardo và Michelangelo - hai nghệ sĩ tài năng - cùng làm việc trong một tòa nhà. Điều đó cho thấy Florence từng quy tụ nhiều ngôi sao sáng.