Vào tháng 12/2020, chính phủ Indonesia đã chào mời tỷ phú Elon Musk sử dụng một phần hòn đảo Biak, thuộc tỉnh Papua, làm bãi phóng tên lửa của công ty công nghệ vũ trụ SpaceX. Người dân Papua và đảo Biak đã tuyên bố sẽ không hoan nghênh dự án giàu tham vọng này.
Cộng đồng địa phương lo ngại bãi phóng tên lửa đe dọa hủy hoại hệ sinh thái, buộc người dân phải dời đi nơi khác.
Theo bài viết của Guardian, việc xây dựng cảng vũ trụ cho SpaceX có nguy cơ mở rộng tình trạng phá rừng, tăng hiện diện quân đội và đe dọa tương lai của người bản địa.
Đảo Biak, thuộc tỉnh Papua, Indonesia là ứng viên lý tưởng cho SpaceX xây dựng bãi phóng tên lửa. Ảnh: Alamy. |
Đe dọa người bản địa
"Cái giá cho cảng vũ trụ chính là vùng săn bắt truyền thống của chúng tôi, lối sống tự nhiên của chúng tôi - vốn dựa vào vùng đất này. Nhưng nếu biểu tình, chúng tôi sẽ lập tức bị bắt giữ", Manfun Sroyer, một thủ lĩnh bộ lạc người Papua ở đảo Biak, chia sẻ.
Không chỉ có SpaceX của tỷ phú người Mỹ, cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos từng dự định xây bãi phóng tên lửa quy mô lớn tại Biak.
"Vào năm 2002, người Nga cũng muốn phóng vệ tinh trên đất này", Manfun Sroyer cho biết.
Đảo Biak nằm trong tỉnh Papua, khu vực vốn tiềm ẩn nhiều bất ổn với phong trào ly khai tồn tại dai dẳng nhiều thập kỷ qua. Thế nhưng, vị trí của Biak lại hoàn hảo cho việc phóng vệ tinh liên lạc viễn thông quỹ đạo thấp.
Bờ đông hòn đảo hướng ra Thái Bình Dương và nằm dưới đường xích đạo chỉ 1 độ vĩ tuyến. Tên lửa được phóng từ khu vực này sẽ tiết kiệm được nhiên liệu để tiến vào quỹ đạo quanh Trái Đất.
Tỷ phú Elon Musk muốn đưa khoảng 12.000 vệ tinh vào vũ trụ trước năm 2026, hiện thực hóa tham vọng cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao giá rẻ Starlink trên toàn cầu. Vị trí gần các nguồn dự trữ nguyên - nhiên liệu giúp Biak trở thành ứng viên hàng đầu cho bãi phóng.
Khu vực Tây Papau dồi dào trữ lượng đồng và niken, hai kim loại quan trọng cho việc chế tạo tên lửa và pin năng lượng cho xe điện Tesla của tỷ phú người Mỹ. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đặt mục tiêu thuyết phục Elon Musk đưa dây chuyền sản xuất Tesla đến, giúp nước này trở thành nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai tại Đông và Nam Á.
Đại diện chính phủ Indonesia khẳng định kế hoạch xây dựng "cảng vũ trụ" đã qua tham vấn với chính quyền Papua và dân địa phương. Trong dự tính của Jakarta, viễn cảnh Biak trở thành "đảo vũ trụ" sẽ mang lại các tác động kinh tế tích cực cho dân đảo.
"Chính quyền tỉnh Papua đánh giá việc xây dựng cảng vũ trụ ở đảo Biak sẽ gúp quận Biak Numfor trở thành một cầu nối và tạo tác động kinh tế tích cực cho chính quyền khu vực lẫn cộng đồng địa phương", người này cho biết.
Tên lửa của SpaceX được phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ. Ảnh: AP. |
Tác động môi trường và quốc phòng
Viễn cảnh Tesla và SpaceX đều đặt cơ sở hoạt động tại Indonesia sẽ thúc đẩy đáng kể tốc độ khai thác tài nguyên thiên nhiên của vùng Papua và Tây Papua. Tỷ phú người Mỹ vào tháng 7/2020 đã nhắc nhở Jakarta ông chỉ sẵn sàng ký một hợp đồng hấp dẫn và dài hạn nếu Indonesia "khai thác niken một cách hiệu quả và cẩn thận với tác động môi trường".
Tuy nhiên, người Papua cùng giới chuyên gia vẫn lo ngại bãi phóng tên lửa SpaceX sẽ hủy hoại hệ sinh thái vốn mong manh của đảo Biak. Tại quần đảo Raja Ampat lân cận, trong vùng Tây Papua, việc khai thác niken đang đe dọa mở rộng phá rừng, làm ô nhiễm khu quy hoạch bảo tồn biển và sức khỏe của người dân địa phương.
Mỏ Grasberg trên đảo chính Papua cũng là mỏ quặng đồng lớn thứ hai thế giới. Đẩy mạnh sản lượng khai thác tại khu mỏ có thể tạo ra hơn 88 tấn chất thải đổ vào hệ thống sông ngòi mỗi năm, khiến thiệt hại môi trường thêm trầm trọng.
Biak còn mang ý nghĩa quốc phòng chiến lược. Quân đội Indonesia đã thiết lập căn cứ hải quân, lục quân và không quân trên hòn đảo, biến nơi đây thành điểm trung chuyển nhằm triển khai máy bay và quân lính giữa hàng nghìn đảo. Sự xuất hiện của "cảng vũ trụ" SpaceX sẽ thúc đẩy quân đội tăng cường hiện diện, đảm bảo an ninh và niềm tin của nhà đầu tư.
Papua từng là lãnh thổ thuộc địa của Hà Lan, sau đó được sáp nhập vào Indonesia vào năm 1963. Quốc gia vạn đảo hợp thức hóa việc kiểm soát vào năm 1969 qua một đạo luật được Liên Hợp Quốc giám sát. Chính phủ Jakarta kiên quyết với lập trường Papua và Tây Papua là những vùng lãnh thổ không thể tách rời của nhà nước Indonesia thống nhất.
Khoảng 100.000 người đã thiệt mạng trọng các cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ Indonesia và phong trào ly khai của người Papua trong nhiều thập kỷ qua.