Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ KHĐT: Truyền thông chính sách lấy người dân là trọng tâm phát triển

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung vào 5 giải pháp trọng tâm thực hiện chiến lược truyền thông chính sách, lấy người dân là trọng tâm của phát triển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong những bộ ngành đầu tiên, tiên phong trong việc lập kế hoạch truyền thông, trong đó coi trọng công tác truyền thông chính sách - đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 07 ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một trong những mục tiêu của truyền thông phải là xây dựng được niềm tin của người dân, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông. Ông yêu cầu phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện.

Việc ban hành kế hoạch truyền thông hàng năm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện kể từ năm 2017. Năm nay, Bộ đã ban hành kế hoạch truyền thông năm 2023 (Quyết định 419/QĐ-BKHĐT ngày 29/3/2023) tiếp thu các tư tưởng mới của Chính phủ từ Chỉ thị 07 về truyền thông chính sách.

Kế hoạch truyền thông hàng năm làm định hướng kim chỉ nam cho thực thi các hoạt động truyền thông chính sách. Truyền thông không chỉ là công tác truyền thông đúng nghĩa mà còn nơi ghi các dấu ấn lịch sử hàng ngày của Bộ và phản hồi của người dân tới Bộ.

truyen thong chinh sach anh 1

Mọi chính sách do Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và ban hành đều hướng tới hạnh phúc của người dân. Ảnh: HC.

Mọi chính sách đều hướng tới hạnh phúc của người dân

“Niềm tin của người dân là yếu tố cốt lõi trong hoạt động truyền thông Chính phủ và tạo ra sự ủng hộ đối với chính sách công. Từ nhiều năm nay, ngành kế hoạch và đầu tư đã xác định 5 trụ cột triết lý truyền thông chính sách cho ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn tập trung vào 5 giải pháp trọng tâm thực hiện chiến lược truyền thông chính sách, lấy người dân là trọng tâm của phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đề xuất Thủ tướng xem xét thành lập tổ công tác truyền thông để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác truyền thông đối với các vấn đề nóng và quan trọng của đất nước hiện nay. Theo Bộ trưởng, truyền thông Chính phủ cần được cải thiện để trợ giúp Thủ tướng và Chính phủ không có bất ngờ, ngăn chặn mọi rủi ro và đảm bảo uy tín.

Với riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đổi mới nội dung, phương thức của truyền thông chính sách luôn được coi trọng. Việc này sẽ giúp thích nghi với môi trường hiện đại và tiến trình phát triển. Bộ cũng rất trọng dữ liệu trong truyền thông chính sách. Khi đánh giá hoạt động tham mưu chính sách và truyền thông chính sách dựa trên dữ liệu thực chứng, nghiên cứu khoa học, thông tin báo chí và dư luận từ người dân.

truyen thong chinh sach anh 2

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng từng đề xuất Thủ tướng xem xét thành lập tổ công tác truyền thông để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác truyền thông đối với các vấn đề nóng và quan trọng của đất nước hiện nay. Ảnh: VGP.

Trong kế hoạch truyền thông 2023, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư coi công tác truyền thông phải đảm bảo tính định hướng, dẫn dắt; chính xác, khách quan và kịp thời; hài hoà, hợp lý với các thông tin từ trên xuống và từ dưới lên. Nội dung truyền thông chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Người dân là trọng tâm của các hoạt động truyền thông chính sách. Mọi chính sách do Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và ban hành đều hướng tới hạnh phúc của người dân.

Truyền thông đến người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê; phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, nhân văn, tiên phong đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển.

Kế hoạch cũng nhấn mạnh truyền thông tác động đến công tác hoạch định chính sách, thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến, tạo sự đồng thuận xã hội; đảm bảo chính sách ban hành phù hợp với thực tiễn, góp phần vào tiến bộ, công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng số

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu nội dung truyền thông về lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên kiến thức tổng hợp và dữ liệu chính xác, có chọn lọc và được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi đăng tải; xác định các thông tin có tính chất truyền thông trước khi cung cấp ra công chúng. Hình thức truyền thông cần đa dạng, kết hợp với công nghệ mới, nhằm bảo đảm thiết thực, chất lượng và hiệu quả.

Bộ cũng đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành.

Các phương thức truyền thông cũng được đổi mới và cập nhật theo xu thế xã hội. Ngoài các kênh truyền thống như Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.mpi.gov.vn), nền tảng quản trị số tổng thể; nền tảng họp trực tuyến; Bản tin nội bộ về kinh tế - đầu tư và xã hội phục vụ công tác điều hành và quản lý…, cơ quan này còn mở rộng hợp tác với các kênh truyền thông quốc tế; phát triển các công cụ giao tiếp trực tuyến hiện đại trên nền tảng số.

Bộ sẽ tổ chức định kỳ chương trình kết nối truyền thông thông qua mô hình kết nối như Knowledge Sharing Talk, phát hiện các nhân tố nổi bật trong truyền thông chính sách, tạo sự khuyến khích trong cơ quan, lan tỏa các thông điệp tích cực. Vận hành kênh truyền thông thân thiện tích hợp yếu tố công nghệ mới; tổ chức các cuộc họp báo hay tọa đàm truyền thông chính sách; sử dụng các ứng dụng kết nối giao tiếp thông tin công nghệ mới để truyền thông chính sách.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung phát triển các sáng kiến vì cộng đồng, các sáng kiến thương hiệu trên nền tảng văn hóa. Mở rộng hợp tác với các kênh truyền thông quốc tế.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: GDP quý III và IV phải đạt 7,5-7,9% để bù quý I

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ kiên định kịch bản tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay. Để được vậy, trong các quý III và IV, GDP phải tăng rất cao để bù quý I thấp.

Trường Lê

Bạn có thể quan tâm