Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ KHĐT cập nhật kịch bản tăng trưởng GDP

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2021, GDP quý II cần đạt mức tăng trưởng 7,19%, quý III cần tăng 6,78% và quý IV tăng 7,16%.

Cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 31/3, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48%, cao hơn mức tăng trưởng dự báo trong báo cáo tháng 1 nhưng vẫn thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% thì quý II/2021, GDP cần đạt mức tăng trưởng 7,19% (cao hơn 0,08 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01); quý III cần tăng 6,78% (cao hơn 0,07 điểm phần trăm) và quý IV cần tăng 7,16% (cao hơn 0,49 điểm phần trăm).

Theo Bộ trưởng, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngoài việc hỗ trợ các ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn, cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế.

KỊCH BẢN ĐỂ TĂNG TRƯỞNG GDP NĂM 2021 ĐẠT 6,5%

NhãnQuý IQuý IIQuý IIIQuý IV
GDP phần trăm 4.487.196.787.16

Cụ thể, thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh việc mua và triển khai tiêm vaccine Covid-19. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Chỉ số giá ở mức thấp, trong khi cân đối ngân sách được bảo đảm là những điều kiện thuận lợi để tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa, kích thích tăng trưởng kinh tế; triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ bổ sung các ngành, lĩnh vực đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; xem xét điều chỉnh hợp lý việc tăng giá, phí một số mặt hàng do nhà nước quản lý theo lộ trình”, Bộ trưởng nói.

Bộ KHĐT đề nghị tập trung theo dõi sát diễn biến của các thị trường tiềm ẩn rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông.

Ngân hàng cũng cần tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; giám sát các tổ chức tín dụng có các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Bo KHDT cap nhat kich ban tang truong anh 1

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Chính phủ ngày 31/3. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Bộ Tài chính tập trung theo dõi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tăng cường giám sát biến động của thị trường chứng khoán, chống thao túng giá, phòng ngừa rủi ro tăng nóng của thị trường.

Bộ trưởng cho rằng cần phát triển các quỹ đầu tư dài hạn và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, tận dụng cơ hội thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để phát triển thị trường.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Bộ KHĐT cũng đề xuất quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng và khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên đất. Cần phải tiết kiệm, quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc cấp đất, sử dụng đất cho các dự án; cấp đất phải căn cứ vào nhu cầu, khả năng thực tế triển khai gắn với các điều kiện nhất định về tiến độ, kết quả thực hiện dự án, nghĩa vụ với Nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Việc cấp và giao đất phải được thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch thông qua các hình thức đấu thầu, đấu giá theo đúng quy định và bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Bộ KHĐT cũng đề nghị cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm bớt việc phụ thuộc vào một thị trường; tập trung hỗ trợ phát triển thị trường trong nước; nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước.

Xuất siêu vượt 2 tỷ USD

Tính từ đầu năm đến hết tháng 3, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại đạt 2,14 tỷ USD. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu 76,74 tỷ USD, nhập khẩu 74,61 tỷ USD.

Tuấn Hùng

Bạn có thể quan tâm