Chua Kong Ho, biên tập viên của SCMP chia sẻ về trải nghiệm bỏ smartphone dùng điện thoại cục gạch của mình.
Tháng trước khi bước vào kỳ nghỉ (năm mới), tôi đặt hàng một chiếc điện thoại cục gạch từ công ty có tên Punkt Tronics AG, trụ sở tại Lugano, Thụy Sĩ. Hàng đến sau đó một tuần.
Chiếc máy mang tên MP02 này có thể thực hiện cuộc gọi, nhắn tin SMS, có lịch, đồng hồ, ghi chú, máy tính và không nhiều thứ khác. Nó có hỗ trợ chia sẻ kết nối 4G, do đó tôi có thể kết nối với thiết bị khác như laptop, iPad.
Ý tưởng này là để phục vụ những ai cần kiểm tra mail hoặc đăng các bức ảnh chụp kỳ nghỉ lên Instagram. Họ có thể thực hiện bằng cách sử dụng kết nối Internet của nó. Tuy nhiên, về cơ bản với những ứng dụng có sẵn trên máy, nó chính xác là một chiếc điện thoại cục gạch.
Chiếc điện thoại Punkt MP02 của Chua Kong Ho. |
Có vẻ như người ta ngày càng quan tâm đến những chiếc di động cục gạch, từ niềm hoài cổ về những thiết bị như Nokia 5110 hay Motorola StarTAC cho đến những người muốn trốn khỏi những trận bom thông báo từ mạng xã hội. Với tôi, tôi muốn thoát khỏi smartphone để xem mình tận dụng được bao nhiêu thời gian và làm được những gì khác.
Sau một tuần sử dụng chiếc MP02 trong kỳ nghỉ lễ và quay lại công việc, tôi có thể nói rằng sử dụng điện thoại cục gạch giúp tôi nhận ra tôi đã lãng phí thời gian một cách không có mục đích như thế nào trước đây.
Với chiếc điện thoại của Punkt, tôi có thể loại bỏ thói xấu kiểm tra điện thoại liên tục. Không có ứng dụng đồng nghĩa không Twitter, Facebook, LinkedIn, YouTube, Instagram, NetFlix. Không Gmail, Slack hay Wechat. Tôi còn tiết kiệm được tiền do không thể lang thang trên Amazon hay Taobao và bất chợt click vào một món hàng giảm giá nào đó khi ngồi trên tàu điện ngầm đến Hong Kong Causeway Bay.
Trong vài ngày đầu, tôi liên tục lôi chiếc điện thoại khỏi túi áo trong khi đợi tàu hoặc xếp hàng, trước khi phát hiện ra nó chẳng thể giúp gì tôi ngoài việc gọi và nhắn tin. Do đó, tôi cho lại nó vào túi và nhìn xung quanh.
Không có mạng xã hội đồng nghĩa tôi không lãng phí thời gian lướt qua lại giữa các tấm ảnh gia đình hạnh phúc trên các ngọn đồi tuyết ở Nhật Bản, vốn tràn ngập trên Facebook của tôi khoảng thời gian này trong năm.
Chiếc MP02 không có màn hình cảm ứng, không có cuộn trang. Tôi phải dùng nút bấm, tiếng click rất rõ ràng, không có phản hồi xúc giác kiểu màn hình cảm ứng.
Sau vài ngày, tôi dần quen với việc không kiểm tra điện thoại mỗi vài phút. Tôi phát hiện ra sẽ không phải ngày tận thế nếu tôi không trả lời email hoặc tin nhắn ngay lập tức. Nếu có việc quan trọng, họ sẽ nhấc máy và gọi.
Đó vốn là cách mọi người làm việc nhưng bằng cách nào đó, chúng ta đang để cho công nghệ làm rối loạn giữa sự cần thiết và quan trọng.
Không smartphone không phải là thảm hoạ như bạn tưởng. |
Tôi thấy rằng mình không cần phải kết nối mọi lúc. Bạn vẫn có thể offline để đi bộ, ăn uống hoặc nói chuyện với gia đình, bạn bè. Và đó lẽ ra chính là cách công nghệ phải phục vụ chúng ta, thay vì làm ông chủ của chúng ta.
Tất nhiên, vẫn có những hạn chế lớn khi không dùng smartphone. Tôi nhớ ứng dụng bản đồ, thứ rất hữu dụng cho một người mới tới Hong Kong như tôi, nhưng có rất nhiều bản đồ tại mội trạm tàu điện ngầm. Tôi nhớ ứng dụng Kindle nhưng đã sớm vượt qua bằng cách mang theo một cuốn sách.
Tôi cũng không có smartphone để chụp những khoảng khắc của cuộc sống. Mọi thứ sẽ rất tốt đẹp với một chiếc Leica đắt đỏ tại IFC Mall. Tất nhiên, tôi không thể liên tục ngắm nhìn và bất chợt quyết định “đốt tiền” vào nó trên chiếc điện thoại cục gạch này.