Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bỏ học tiến sỹ ở Úc, về quê bán mắm

Hồi học ở Úc, trong kho dữ liệu của trường, Hằng đọc được: Việt Nam là khởi thủy nghề làm mắm. Thế kỷ 18-19, đã xuất lượng lớn sang Malaysia, Thái Lan, châu Âu. Bảo tồn văn hóa mắm là lý do Hằng mắm ruốc bỏ học tiến sĩ về quê.

Tuần này, Đào Thị Hằng, được biết đến với nickname trên Facebook là Hằng Mắm Ruốc sẽ khai trương quán mắm Thuyền Nan tại 290/22 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM với thực đơn hai món bún mắm nêm và me- xoài- cóc- ổi chấm mắm ruốc, nhưng mục đích chính là quảng bá và bán mắm. Sau nhiều tháng ngược xuôi tìm đại lý giải quyết đầu ra cho thương hiệu mắm Thuyền Nan, đây là đại diện đầu tiên của chính cô chủ, do em trai cô quản lý. Nhìn vẻ bề ngoài có phần chất phác với giọng Quảng Trị đặc trưng lại luôn miệng về mắm, ít ai hình dung cô gái sinh năm 1985 này vừa tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành về phát triển bền vững ở Úc, bỏ qua cơ hội có thể nhận tiếp học bổng làm luận án tiến sĩ.

Đào Thị Hằng vừa tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành về phát triển bền vững ở Úc.
- Sự trở về đã được Hằng cân nhắc như thế nào?

- Chuyện này phải quay trở lại lý do mà mình ra đi. Hằng học khoa Nông học, đại học Nông Lâm- Huế. Sau khi tốt nghiệp Hằng có hai năm làm việc tại trung tâm Phát triển cộng đồng của trường, tham gia nhiều dự án hỗ trợ cộng đồng nông gia tại quê nhà Quảng Trị. Hằng cũng có tham gia một dự án của đại học Kyoto-Nhật Bản trong vai trò phiên dịch. Họ sang vùng A Lưới-Huế để thu thập kinh nghiệm người dân bản địa thích ứng với thiên tai, thể hiện trong kiến trúc nhà ở. Hằng từ nông thôn, con nhà nghèo, cứ nghĩ giàu là khi người ta xây được nhà to, đường rộng nhưng trong một lần qua Nhật nhờ vào quan hệ hợp tác này, Hằng thay đổi cái nhìn về sự phát triển. Nhật giàu có, hiện đại như vậy nhưng rất chú tâm gìn giữ bản sắc văn hóa cổ xưa, muốn duy trì lối sống hòa hợp với tự nhiên, bảo vệ tự nhiên. Hằng quyết định ra nước ngoài học, là để trở về trong tinh thần này. Có chăng một chút cân nhắc ở thời điểm về- đầu năm 2013 này mà thôi.

- Nhưng phát triển bền vững thì có liên quan gì đến mắm?

- Ở Úc, Hằng học về năng lượng, công nghệ, công nghiệp xanh nhưng khi về Việt Nam, thấy mình bắt đầu từ nông nghiệp xanh thì thuận hơn, vì nước mình gốc nông nghiệp, tới giờ vẫn chưa bước vào thời kỳ công nghiệp đúng nghĩa. Còn có chút riêng tư từ xuất xứ con nhà cha chài lưới, mẹ mắm cá nhưng sinh kế cứ mãi nhọc nhằn. Ngoài ra, hồi học ở Úc, trong kho dữ liệu được lưu giữ tại trường, Hằng đọc được Việt Nam là khởi thủy của nghề làm mắm. Thế kỷ 18-19, ông bà xưa đã xuất khẩu lượng lớn sang Malaysia, Thái Lan, châu Âu. Thế nhưng giờ đây, ở các làng mắm dọc miền Trung, người già không đủ sức làm nữa, còn người trẻ thì thích thành công nhân trong nhà máy hơn cái nghề làm mắm vốn được họ coi là không được thanh sạch. Bảo tồn văn hóa mắm cũng là mục tiêu, động lực. Cốt lõi của sự tồn tại một cái nghề, một sản phẩm là ở chỗ người ta phải sống được nhờ nó, ý nghĩa của sự bền vững còn nằm ở đó.

- Những gì đã học giúp được gì cho Hằng trong hành trình với mắm?


- Hằng học về phát triển xanh, áp dụng khi về nước là áp dụng mang tính tổng hợp. Những gì thuộc về kiến thức Hằng đã quên hết, cái còn lại là cách tư duy. Hằng thấy trải nghiệm trong quá trình học quan trọng hơn kiến thức học được. Nhà trường nên dạy sinh viên khả năng tự học và tư duy độc lập. Cũng vì vậy mà tuy đã quên hết kiến thức, Hằng không dám chắc là nếu không ra ngoài học, không có sự trải nghiệm như đã nói thì Hằng có làm được công việc hiện nay không. Lựa chọn của em trai Hằng đang là một phép thử. Em đậu đại học kinh tế Huế nhưng nói không thích học và tự vào Sài Gòn bươn chải học cách kinh doanh. Giờ thì Hằng có nó làm bạn đồng hành.

- Người ta hay nghĩ là cần phải có bằng cấp cao, như tiến sĩ chẳng hạn, thì việc đóng góp cho đất nước sẽ nhiều hơn? Vì sao Hằng lại bỏ đi cơ hội ấy?

- Mỗi người có một lựa chọn và hướng đi riêng cho bản thân. Hằng chọn mắm vì ý nghĩa của nó, là một dự án tăng trưởng xanh, cung cấp mắm an toàn, ngon cho cộng đồng và bảo tồn văn hóa mắm độc đáo của người Việt. Hơn nữa, cái chúng ta cần là tinh thần khởi nghiệp để tạo động lực, diện mạo mới cho quốc gia. Mục đích khởi nghiệp không chỉ cho bản thân mà hướng đến phục vụ cho đất nước.

Có lẽ do xuất thân và nhận thức về năng lực của chính bản thân, Hằng nghĩ trong đầu: có mấy ai được như anh Ngô Bảo Châu. Mà xung quanh Hằng thì còn nhiều người khổ quá. Khoa học căn bản cần thiết nhưng chắc phải xếp sau cơm áo. Cái chúng ta cần bây giờ là tinh thần khởi nghiệp, để tạo động lực, diện mạo mới quốc gia. Quan trọng là mục đích khởi nghiệp, không chỉ cho mình mà còn phục vụ quốc gia

Quyết định gác cơ hội làm luận án tiến sĩ của Hằng chịu tác động rất lớn bởi ông Dương Quang Thiện. Ông là người từng du học ngành máy tính ở Pháp, làm việc cho IBM nhưng quyết định về Việt Nam phổ biến kiến thức tin học vào thời điểm Việt Nam mới chập chững vào kỷ nguyên này. Rồi nhiều năm, ông là nhà tài trợ cho quỹ học bổng Vì ngày mai phát triển, mà Hằng là một trong số rất nhiều người được thụ hưởng. Hằng quyết định trở về khi cân nhắc lời khuyên trở về vì “nhiều người cần mình trong lúc này” của ông. Trong hành trình tìm mắm, Hằng may mắn được gặp giáo sư Thái Quang Trung là người nhận ra tìm năng của dự án và truyền lửa cho Hằng.

- Nói vậy, với mắm, Hằng nghĩ mình có thể làm được gì?

- Hằng sẽ cố gắng hiện đại hóa sản phẩm truyền thống để giữ mắm đúng nghĩa của mắm, không sử dụng hóa chất bảo quản hay tạo màu…để tạo nên khác biệt trong sản phẩm. Không chỉ nhờ sự đảm bảo nguyên chất và thuyết phục về vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn vì khai thác những kênh bán hàng mới như qua Facebook. Hiện Hằng đã xây dựng thương hiệu mắm Thuyền Nan với ba dòng sản phẩm chủ lực là nước mắm, ruốc và các loại rau dưa như dưa cà. Dự án sản xuất mắm tập hợp sức sản xuất của các mệ, các dì mát tay nghề ở quê. Hằng trong vai trò nhà phân phối tạo đầu ra cho sản phẩm, đồng thời từng bước quy chuẩn hóa quy trình sản xuất để đồng nhất sản phẩm. Cũng đã được 27 cơ sở bán hàng trên bảy tỉnh thành, với doanh thu chừng 80-100 triệu/tháng. Hằng còn đang ấp ủ một dự án tín dụng vi mô hỗ trợ cho việc làm của các mệ, các dì.

- Với cách làm hiện nay, thật ra thì cũng khó phân biệt được đâu là mục tiêu kinh doanh, đâu là mục tiêu vì cộng đồng…

- Kinh doanh là phương pháp cho mình đảm bảo mục tiêu phát triển cộng đồng, tạo sinh kế, bảo tồn văn hóa mắm. Các tổ chức phi lợi nhuận và lợi nhuận khi ra đời đều có tầm nhìn riêng. Hằng sẽ cố gắng kiên trì với những gì mình đặt ra. Có thể hiểu mô hình của Hằng đang theo đuổi là một doanh nghiệp xã hội.

- Nếu với mục tiêu như vậy và với kinh nghiệm thực hiện các dự án cộng đồng, sao Hằng không xin tài trợ để hỗ trợ duy trì, mở rộng nghề làm mắm?

- Trước đây Hằng tính thành lập một trung tâm phát triển cộng đồng thuộc sở Khoa học công nghệ của tỉnh nhưng sau đó nghĩ lại. Nếu không tìm được đầu ra cho sản phẩm thì khi dự án kết thúc, nguồn tiền từ bên ngoài hết sẽ khó duy trì hoạt động sản xuất. Đó là chưa nói đến sự lệ thuộc.

Hiện nay hệ thống phân phối ở nước ta không thông suốt, doanh nghiệp làm còn khó huống chi hộ nhỏ lẻ. Cần có bên thứ ba đứng ra bao tiêu, rồi phân phối nên Hằng chọn mình là một mắt xích. Sau này Hằng sẽ mở rộng nhiều mắt xích nữa. Người mình chưa có tư duy hợp tác, phân công lao động theo chuỗi, cứ ôm đồm hết thì sản xuất không xong mà phân phối cũng không nổi. Hằng đang học về phân phối.

- Tới thời điểm này, Hằng tự đánh giá như thế nào về những nỗ lực của mình?

- Khi đi khảo sát nghề làm mắm, gặp nhiều hoàn cảnh Hằng nghĩ là rất khó khăn nhưng hỏi thăm thì nhận được câu trả lời gần như chấp nhận hoàn cảnh. Với họ, so với trước đã đỡ hơn nhiều. Thì ra nhận thức về cuộc sống của mình quan trọng hơn người ta nhìn vào. Cho nên, không phải là không có lý khi các cuộc khảo sát của các tổ chức quốc tế cho ra kết quả người Việt mình cảm thấy hạnh phúc hơi bị nhiều. Người ta nói trong các dự án mang tính cộng đồng, điều quan trọng không phải là cho người dân con cá mà phải cho họ cái cần để câu cá. Hằng thì cho rằng cái cần câu cũng không cần, quan trọng là tạo niềm tin, cảm hứng để người ta mày mò cách câu. Khi đó, có thể họ sẽ không bằng lòng với hiện tại nữa. Và biết đâu chuẩn hạnh phúc sẽ được tự nâng lên. Hằng vẫn đang nỗ lực cho việc đó.

Từ hũ mắm bên bến sông Thạch Hãn

Năm 2004 Đào Thị Hằng con của một gia đình nghèo bậc nhất Quảng Trị mà đậu thủ khoa đại học. Học bổng Vì ngày mai phát triển đã giúp Hằng nhẹ bớt nỗi lo để bước vào đời sinh viên. Bốn năm sau cô trở thành kỹ sư nông nghiệp với ước mơ giúp những người nông dân như cha mẹ mình thoát nghèo. Đồng lòng với giấc mơ của cô gái trẻ đồng hương, qua cầu nối của báo chí, ông bà Dương Quang Thiện đã giúp đỡ cô trong suốt thời gian “xóa trắng những cái sai kinh khủng” để học ngoại ngữ, cuối cùng Hằng đã toại nguyện với học bổng trị giá 112.000 USD của Bộ Ngoại giao Úc. Đầu năm 2013 cô đột ngột trở về, lặn lội khắp các làng chài từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phan Thiết, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi… và công bố với mọi người: từ nay hãy gọi mình là Hằng “mắm ruốc”.

 

Theo Người Đô Thị

Bạn có thể quan tâm