Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bà chủ Trà Hoàn Ngọc: Người chấp nhận thách thức

Vì niềm đam mê, bà nghiên cứu cây hoàn ngọc - một dược liệu quý có khả năng trị viêm gan, tiểu đường, điều chỉnh huyết áp... Bà là Bùi Kim Nga, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Trà Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh.

Không chỉ vì lợi nhuận

- Với cây dược liệu quý hoàn ngọc, có thể nói bà đã nắm trong tay cả một gia sản vô giá. Vì sao bà chỉ tập trung vào nghiên cứu, đầu tư hơn là phát triển kinh doanh Trà Hoàn Ngọc – sản phẩm chính của doanh ngiệp (DN) hiện tại ?

- Tôi không phải là dược sĩ. Tôi cũng không phải là nhà nghiên cứu theo nghề cha truyền con nối. Chỉ là tình cờ trong cơn bạo bệnh của cha mình, có bệnh thì “vái tứ phương”, nghe người ta mách có cây hoàn ngọc chữa được nhiều loại bệnh thì trong lúc tuyệt vọng, cũng lặn lội tìm mua được cây này tìm chữa bệnh cho cha. Chẳng ngờ cha tôi qua được cơn hiểm nghèo thật. Tôi phát lòng thành muốn phổ biến cây thuốc này để giúp mọi người. Vì vậy suốt ba năm, tôi đã chăm chỉ trồng hoàn ngọc, sau đó chế biến thành trà uống và mở những điểm uống trà miễn phí. Không ngờ, sau khi uống trà hoàn ngọc, nhiều người đến gặp tôi vui mừng cũng chia sẻ là họ khỏi bệnh.

Lúc đó, tôi cũng chưa có cơ sở để tin khả năng chữa bệnh của hoàn ngọc và cũng chưa có đam mê để nghiên cứu. Nhưng khi thấy quá nhiều người nghèo chỉ dùng trà mà hết bệnh, tôi bắt đầu suy nghĩ, tổng hợp kết quả và tìm đến Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam xin được nghiên cứu để giải thích chính xác bằng khoa học. Hơn nữa, kinh doanh thuốc không thể sòng phẳng như kinh doanh các sản phẩm khác. Việc bán trà hoàn ngọc, tuy vẫn là chuyện bán buôn kinh doanh, nhưng mức lợi nhuận tôi đặt ra rất ít, chủ yếu lấy nó để đắp vào chương trình đồng hành với người nghèo mang bệnh hiểm nghèo. Thậm chí, khi xây xưởng, đầu tư thì tôi cũng phải bán bớt một số tài sản để đầu tư chứ chưa lấy lợi nhuận của trà hoàn ngọc để đầu tư cho nó.

- Nói như vậy, công ty Trà Hoàn Ngọc 7 Nga kinh doanh hoàn toàn không vì lợi nhuận ?

- Khi tôi đem cây hoàn ngọc làm thử nghiệm độc tố bán trình diễn trước Hội đồng khoa học Nhà nước, nhiều nhà khoa học hỏi tôi: “Vì sao tôi dám làm thử nghiệm trước “mặt trời”, tôi nói: “Tôi chấp nhận thách thức đó vì con đường tôi đi là làm từ thiện chứ không phải vì lợi nhuận. Lúc đó, điều tôi tâm niệm là tâm huyết, là tấm lòng. Làm gì cũng phải có tấm lòng. Bản thân tôi cũng muốn nếu mình muốn làm tiếp, đầu tư nhiều hơn mà kết quả thử nghiệm làm dối, lỡ sau này phát hiện không tốt thì mình không chỉ bị lỗ mà còn hại người tiêu dùng. Kinh doanh miễn sao không lỗ, còn mục đích cuối cùng của tôi vẫn là làm từ thiện.

Lấy ngắn nuôi dài

- Nếu mở rộng hoạt động kinh doanh, cũng có thể xem như một cách nhân lên hoạt động từ thiện. Sao bà không lại quay về gắn bó với nghề nông, ruộng vườn ?

- Tôi yêu màu xanh của cây cỏ, ruộng đồng. Tôi nghĩ, làm nông cũng là một nghề, cũng có thể kinh doanh và tạo ra giá trị lớn cho xã hội nên tôi dốc hết những gì tôi có để tập trung cho cây trồng và cha tôi lại là người ủng hộ, phụ tôi rất nhiều. Khi tôi đầu tư trồng nghiên cứu cây hoàn ngọc, cha cũng giúp tôi một số tiền lớn. Hiện nay, để có vốn đầu tư, tôi phải lấy ngắn nuôi dài và tôi làm rất nhiều việc, từ trồng chôm chôm, trồng nhãn, mì , cà phê, bạch đàn, điều…. kể cả chăn nuôi để lấy tiền “đắp” vào dự án này và tiếp tục làm từ thiện. Tôi phải trồng được nhiều cây, nhân được nhiều giống, thì mới nói chuyện kinh doanh mở rộng. Không có nguyên liệu làm sao có sản phẩm…

Bà Bùi Kim Nga.
- Được biết, dự án của bà đã được nhà nước rót vốn nghiên cứu, nhân rộng. Xin hỏi thật nếu Nhà nước không rót vốn đầu tư, bà có dám bỏ tiền túi hoặc huy động vốn bên ngoài, liên doanh liên kết để làm không ?

- Sau thử nghiệm độc tố câu hoàn ngọc, các nhà khoa học đã phát hiện rễ hoàn ngọc có rất nhiều dược chất chữa bệnh. Do đó năm 2010, Bộ Công thương và Chính phủ đã xem xét và quyết định đầu tư cho tôi 880 triệu đồng để tôi tiếp tục làm nghiên cứu khoa học. Sau hai năm Nhà nước nghiệm thu và đánh giá cao đề tài về độ tinh khiết, hàm lượng thì có hàng loạt chất quý. Và năm 2012, Nhà nước lại cấp cho tôi 2,8 tỷ đồng theo vốn đối ứng, tôi bảy, Nhà nước ba để nghiên cứu đề án cấp Nhà nước: “Tạo chế phẩm phòng chống khối u từ cây hoàn ngọc” và giao cho tôi làm chủ nhiệm đề án. Khi thấy tôi nhận tài trợ kinh phí của Nhà nước, nhiều người lo áp lực trách nhiệm của tôi sẽ nhiều hơn, tôi nói: “Không phải vì Nhà nước tài trợ kinh phí thì tôi mới nỗ lực, mà đó là sự khích lệ rất lớn để tôi ấm lòng và yên tâm nghiên cứu. Nói thật nếu Nhà nước không tài trợ, tôi cũng vẫn làm.

- Nghe nói Nhà nước đang giao cho bà nghiên cứu chế phẩm thực phẩm chức năng là viên con nhộng - thành phần là tinh chất của trà, thưa bà?

- Thực tế, cái khó đối với chúng tôi nhất hiện nay chính là đất trồng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam cho biết thì hàm lượng các chất dược liệu quý trong cây Hoàn Ngọc, được tìm thấy trong rễ cây 7 năm tuổi được thu hái tại công ty của chúng tôi rất cao và phụ thuộc vào các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng, cách nuôi trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến của DN. Nhưng một mẫu đất ở Tây Ninh hiện nay có giá khoảng 500 triệu đồng nên chúng tôi không dễ có đất để trồng cây thí nghiệm cho dự án. Vì vậy, tôi rất mong được Nhà nước cho mướn khoảng 50 mẫu đất để ươm giống vì hiện nay cả Việt Nam chưa có vườn hoàn ngọc nào lớn đến 5, 7 mẫu. Trong khi để làm ra viên nang tinh chất thì cần nguyên liệu rất nhiều.

...cao hơn là sự cống hiến

- Được biết, bà có ý định sẽ nhân giống cho ngời nông dân cùng trồng. Nhưng nếu nhân rộng, ai cũng trồng được và ai cũng làm được trà hoàn ngọc, DN của bà sẽ thế nào ?

- Có chợ thì mới ra thị trường. Khi mình làm tốt thì cũng muốn mọi người cùng làm để xã hội có nhiều sản phẩm tốt, sản phẩm sạch, giá thành cũng phải thật rẻ để giúp ích cho mọi người, vì quan điểm của tôi là khi chết cũng không đem theo được cái gì cả. Vậy khi mình còn sống, mình làm được cái gì cho xã hội thì tích cực làm.

Tuy nhiên, điều tôi ngại nhất là khi ai đó không có tâm thì sẽ làm chùn bước đi của mình. Ví dụ mình đang tìm cách để mọi người hiểu hơn về chức năng chữa bệnh của cây hoàn ngọc, mà một số người lại làm hàng giả, người dùng thấy không có hiệu quả thì... cây sẽ bị trách oan. Thực tế cũng có nhiều trường hợp xảy ra như vậy rồi. Có người còn ngộ nhận cây rau răm là cây hoàn ngọc. Trong khi đó lỗ hổng quản lý của ngành, lỗ hổng về quản lý thương hiệu, sở hữu bản quyền, sở hữu trí tuệ ở ta vẫn còn nhiều lắm.

- Trên thị trường quốc tế, xu hướng chữa bệnh bằng dược liệu, thảo được rất được ưa chuộng. Bà có tính xuất khẩu Trà Hoàn Ngọc ?

- Ao ước của tôi là sản phẩm làm ra trước hết là phục vụ cho người Việt Nam bớt bệnh ung thư và tiểu đường, bớt đi mầm mống bệnh tật, nâng cao tuổi thọ cho người. Sản phẩm có ra nước ngoài thì phải có tiếng tốt thật sự để người Việt Nam không bị thế giới coi thường. Tôi muốn được cống hiến cho xã hội sản phẩm tốt nhất có thể. Lúc trước, khi tôi báo cáo xong đề tài khoa học, vừa bước chân xuống khán đài, nhiều nhà khoa học hào hứng muốn tìm hiểu, tôi cũng tự hào lắm chứ. Hoặc khi đề tài của tôi được đăng trên tờ báo nổi tiếng của thế giới, nhiều nhà khoa học gửi mail điện thoại mời tôi hợp tác, kinh doanh tham dự hội nghị và các dự án quốc tế, hỏi tôi muốn gì, muốn dự án phát triển làm sao, có muốn hợp tác với họ không ? Nhưng hiện tại thì tôi chưa có ý định vì tôi muốn người dân Việt Nam có một sản phẩm tốt với giá thành tốt, đặc biệt là với những người bệnh.

Với tâm huyết dành cho cây Hoàn Ngọc trong sản xuất, đầu tư nghiên cứu … đến hôm nay bà chủ Trà Hoàn Ngọc đã bước đầu nhận được trái ngọt xứng đáng. Một đề tài khoa học cấp nhà nước, một dự án sản xuất thử nghiệm cho chế phẩm dạng viên với tương lai là nhà máy chiết xuất dược liệu. Nhưng theo tôi, trên hết vẫn là uy tín, thương hiệu và hiệu quả của sản phẩm ngày một được minh chứng rõ ràng hơn…

Năm 2007, doanh nghiệp tư nhân Trà Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh và các nhà khoa học viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam công bố thành công bước đầu trong việc phân lập những chất có trong rễ cây hoàn ngọc 7 năm tuổi, thu hoạch tại khu nuôi trồng của DN ở Tây Ninh. Hàng loạt những hoạt chất quí như: lupeol, lupenone, betulin, axit pomolic... mà các nhà khoa học thế giới đang nỗ lực tìm kiếm trong cuộc chiến điều trị ung thư, và căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS lại chiếm tỷ lệ tương đối cao trong thành phần của rễ cây hoàn ngọc. Công đầu phát hiện cây hoàn thuộc về bà Bùi Kim Nga, người đã đưa cây dược liệu hoàn ngọc – thuốc quý, phổ cập vào loại trà túi lọc “bình dân” Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh. Bà đã hai lần được Nhà nước cấp kinh phí thực hiện dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước và DN 7 Nga Tây Ninh đã được hội đồng khoa học chứng thực sau khi thực hiện xong đề tài khoa học cấp Nhà Nước năm 2012 do chương trình trọng điểm về phát triển hoá dược Việt Nam chủ quản.

 

 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bạn có thể quan tâm