So găng với hàng Tàu, hàng Nhật
Vài năm trở lại đây, hàng Hàn Quốc dần chiếm lĩnh thị trường Việt. Các cửa hàng chuyên bán hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc không chỉ xuất hiện trên các con phố, mà hàng hóa có nguồn gốc ở xứ sở Kim chi còn chen chân vào siêu thị, trung tâm thương mại nhờ chất lượng tốt (hơn đứt hàng Trung Quốc) mà giá không quá đắt (như hàng Nhật Bản). Tuy có đắt gấp đôi, gấp ba hàng Việt nhưng hàng Hàn vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tại một cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu từ Hàn Quốc trên đường Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội), tuy rộng chỉ chừng 20m2 song có tới hàng trăm mặt hàng khác nhau được bày bán. Từ giầy dép, mỹ phẩm, bánh kẹo, mỳ tôm, nước rửa chén, đồ uống, ô (dù), thậm chí là cả món bỏng ngô (một món ăn vặt xuất hiện tràn lan ở Việt Nam)... Khách ra vào mua bán tại đây khá nhộn nhịp.
Các cửa hàng bán đồ Hàn Quốc mọc tràn lan trên phố. |
Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, một người đang chọn mua đồ tại đây, chia sẻ: “Khoảng 2 năm nay, gia đình tôi thường dùng hàng Hàn Quốc, nhiều nhất là các loại hóa mỹ phẩm. Trước tôi phải nhờ bà con bên Hàn mua và gửi về, giờ thì có thể ra các cửa hàng bán đồ Hàn Quốc trên phố mua thoải mái. Giá có đắt hơn hàng sản xuất ở Việt Nam nhưng chất lượng thì yên tâm”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Năm (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho hay 70% các mặt hàng tiêu dùng trong nhà chị có xuất xứ từ Hàn Quốc. “Chồng tôi là người Hàn Quốc. Mới đầu, tôi chỉ tới các cửa hàng bán đồ Hàn để mua thực phẩm vì chồng tôi ăn món Việt không quen. Được một thời gian, thấy chất lượng các mặt hàng Hàn rất tốt nên các thành viên khác trong gia đình cũng thích sử dụng nên tôi mua nhiều loại hơn”, chị Năm nói.
Nhờ chất lượng tốt, giá không quá đắt nên hàng tiêu dùng Hàn Quốc đang len nhanh vào thị trường Việt. |
Chủ một cửa hàng bán đồ Hàn Quốc nói rằng ban đầu khách đến mua chủ yếu là người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Song, vài năm lại đây, người Việt tới mua hàng ngày càng đông, thậm chí nhiều chi nhánh mở ra chủ yếu để phục vụ người Việt Nam. Đến nay, chị mở tới 5 cửa hàng bán hàng Hàn.
Rõ ràng là đến nay, người Việt Nam đã quá quen với các nhãn hiệu Hàn Quốc, từ cao lương mỹ vị, thần dược như sâm, nấm linh chi..., đến đồ gia dụng nhiều chức năng, thiết bị dễ sử dụng. Một số hãng kinh doanh máy mát-xa, chiếu tia hồng ngoại, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp... đua nhau mở ra. Thậm chí, chăn, ga, gối, đệm, quần áo, mỹ phẩm Hàn Quốc còn len về tận làng quê.
Nhập siêu đáng gờm
Hàng Hàn vào Việt Nam nhiều âu cũng là điều dễ hiểu vì trong quan hệ buôn bán giữa hai nước, trong vòng 10 năm, kim ngạch đã tăng gần 42 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên đến 21 tỷ USD năm 2012. Chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, con số đó đã là gần 23 tỷ USD, tăng trên 32% so với cùng kỳ năm ngoái, bỏ xa con số của cả năm 2012. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, làm rõ cơ cấu xuất - nhập thì bộc lộ ngay sự mất cân bằng trong cán cân thương mại giữa hai bên.
Trong khi Việt Nam chỉ xuất khẩu sang Hàn Quốc vẻn vẹn 5,5 tỷ USD thì chúng ta đang nhập khẩu tới 15,5 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu của Việt Nam là 10 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu là 179%. Tỷ lệ này trong 10 tháng năm nay lên tới 216%.
Nếu so với nhập siêu từ Trung Quốc thì nhập siêu từ Hàn Quốc của Việt Nam, tuy thấp hơn về giá trị tuyệt đối nhưng tỷ lệ phần trăm lại cao ngất (của Trung Quốc cùng 10 tháng 2013 nhập siêu là 19,7 tỷ USD - nhưng tỷ lệ nhập siêu là 186%).
Trong tổng nhập siêu của Việt Nam, tỷ trọng nhập siêu từ Hàn Quốc cũng ngày càng tăng. Năm 2009 là 37% thì năm 2010 lấn tới 50%, năm 2011 nhảy lên 83%.
Nhập siêu từ Hàn Quốc bộc lộ rõ qua cơ cấu hàng hoá hai chiều. Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc dầu thô, than đá, cà phê, thuỷ sản, cao su... là những hàng thô; còn sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép gọi là hàng công nghiệp chế biến nhưng thuần tuý là gia công, thậm trí là gia công thuộc phân kỳ thấp.
Song, chúng ta lại nhập khẩu từ Hàn Quốc các sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, có giá trị như: máy vi tính, điện tử, linh kiện, ô tô nguyên chiếc, linh kiện ô tô, máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu, vải các loại, nguyên phụ liệu da giày. Việc tăng xuất khẩu hàng lắp ráp, sơ chế tại Việt Nam chỉ mang lại cho những người thợ chút tiền công khiêm tốn. Những dự án đầu tư vào Việt Nam lại chủ yếu theo kiểu “mì ăn liền”, không phải để chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Thương mại Việt Nam đã khó chống đỡ với nhập siêu “khủng” từ Trung Quốc, nay lại thêm mối lo mới có tên Hàn Quốc.