Thông tin trên được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể kết luận tại cuộc họp trực tuyến về công tác chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Đường băng sân bay Nội Bài nứt vỡ, xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa tổng thể. Ảnh: NIA. |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Ban quản lý dự án Thăng Long tổ chức quản lý dự án tại Nội Bài, còn CIPM tổ chức quản lý dự án tại Tân Sơn Nhất. Giám đốc 2 ban quản lý này được trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án và chịu trách nhiệm trước bộ trưởng về chất lượng, tiến độ hoàn thành các dự án.
Bộ trưởng cũng yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án do thứ trưởng Lê Anh Tuấn là trưởng ban.
Trước đó, ACV đã khái toán suất đầu tư nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất là 1.876 tỷ đồng và Nội Bài là 2.276 tỷ đồng, trong đó cải tạo, xây mới đường lăn song song, đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh.
ACV kiến nghị Bộ GTVT cho đơn vị tham gia dự án, hứa hẹn đường băng sân bay Nội Bài hoàn thành trong 19 tháng và đường băng sân bay Tân Sơn Nhất xong trong 16 tháng.
Quá trình lựa chọn đơn vị tổ chức quản lý dự án, Bộ GTVT đánh giá ACV chưa đáp ứng được các yêu cầu theo quy định pháp luật như cán bộ, kỹ sư chưa có chứng chỉ hành nghề quản lý dự án. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể quyết định giao Ban quản lý dự án Thăng Long tổ chức quản lý dự án tại Nội Bài, CIPM tổ chức quản lý dự án tại Tân Sơn Nhất.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký ngày 10/9/2019 nêu rõ đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang xảy ra tình trạng xô dịch, gãy vỡ, hằn lún mặt đường, nứt vỡ bê tông... có nguy cơ gây mất an toàn khai thác bay.
Định kỳ, ACV phải tiến hành các sửa chữa nhỏ để trám vá vị trí hư hỏng. Tuy nhiên, hư hỏng nhanh chóng tái xuất hiện vì cường độ khai thác ngày càng lớn. Cần phải lập một dự án sửa chữa tổng thể để khắc phục triệt để hư hỏng.
Theo chủ trương của Chính phủ, 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang được nghiên cứu thực hiện bằng vốn ngân sách từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2019.