Theo đó Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét một số chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, trong đó có vận tải hàng không đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bộ này kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp hàng không Việt Nam tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa cũng như áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021.
Bộ GTVT cho rằng các hãng hàng không khác tại Việt Nam cũng cần gói vay ưu đãi như gói dành cho Vietnam Airlines để vượt dịch Covid-19. Ảnh: Thế Sơn. |
Bộ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét kiến nghị khác của ngành hàng không về hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán… Đây là những hỗ trợ tương tự gói vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng mà Vietnam Airlines đã được phê duyệt.
Trước đó Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải hàng không cũng nhiều lần đại diện cho các hãng bay tư nhân kêu gọi một gói cứu trợ bình đẳng, tương tự như gói Vietnam Airlines được vay ưu đãi.
Tuy nhiên, Hiệp hội cũng bày tỏ lo ngại trước quan điểm các hãng hàng không tư nhân vẫn có lãi trong năm khó khăn 2020 thì không cần phải vay cứu trợ. Lãnh đạo Hiệp hội cho rằng việc các hãng bay tư nhân xoay xở để mang về nhiều nguồn thu thể hiện “giải pháp chủ động của doanh nghiệp thay vì trông chờ được hỗ trợ”.
Vị này khẳng định trong giai đoạn khó khăn, sự khác biệt nằm ở những hãng đã năng động giảm chi phí hoạt động, tăng mạng lưới đường bay nội địa, đẩy mạnh vận tải hàng hoá, liên tục tung ra các sản phẩm kích cầu, đa dạng hoá dịch vụ.
"Khả năng bình tĩnh ứng phó, 'không bóc ngắn cắn dài' của nhóm các hãng bay tư nhân ngay từ giai đoạn đầu phòng chống dịch bệnh, thay vì có thể gây ra sự bất lợi cho chính họ trong quá trình kiến nghị gói hỗ trợ, thì thậm chí cần phải được xem như một yếu tố để xem xét ưu tiên", vị này nói thêm.