Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hành khách trong vận chuyển bằng đường hàng không, với chủ trương tăng mức bồi thường, thống nhất giữa quốc nội và quốc tế.
Hành khách bị delay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Phước Tuần. |
Theo nội dung dự thảo, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển hành khách chậm (delay) là 5.346 SDR cho mỗi người, tương đương 169,2 triệu đồng (mức hiện tại là 4.150 SDR, tương đương 131,3 triệu đồng).
Trường hợp hành khách bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, mức giới hạn bồi thường lên tới 128.821 SDR, tương đương 4,07 tỷ đồng (mức hiện tại là 100.000 SDR, tương đương 3,16 tỷ đồng).
Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là 1.288 SDR, tương đương 42 triệu đồng.
Thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hàng hóa trong quá trình vận chuyển sẽ có mức trần bồi thường là 22 SDR, tương đương 720.000 đồng.
Chủ trương nâng mức trần bồi thường cho khách bay của Bộ GTVT bắt nguồn từ xu hướng nâng mức bồi thường của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Tháng 6 vừa qua, ICAO đã đề xuất tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường cho hành khách, dự kiến có hiệu lực từ ngày 28/12.
SDR là đơn vị tính toán đặc biệt do IMF quy định, được sử dụng trong một số thỏa thuận, công ước quốc tế về trách nhiệm vật chất của các hãng hàng không đối với hành khách, hành lý và hàng hóa.
Theo Thông tư 14/2015/TT-BGTVT, hành khách có chuyến bay bị hủy hoặc bị chậm kéo dài (giờ khởi hành thực tế muộn hơn 4 giờ so với thời gian cất cánh dự kiến) sẽ được hãng bồi thường ứng trước không hoàn lại.
Mức bồi thường cho mỗi hành khách đối với chuyến bay nội địa có thể do từng hãng quy định nhưng không thấp hơn các mức như sau: Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km là 200.000 đồng; chuyến bay có độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km là 300.000 đồng; chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km trở lên là 400.000 đồng.
Ngay khi chuyến bay bị thông báo hoãn hơn 4 tiếng, hành khách nên đến quầy hỗ trợ trực tiếp của hãng ở sân bay để yêu cầu được hướng dẫn làm thủ tục bồi thường. Nếu mua vé ở đại lý, hành khách có thể liên lạc thêm với đại lý để được tư vấn phương án xử lý phù hợp.
Trong 2 ngày 15-16/6, hãng hàng không VietJet đã phải chi 7,25 tỷ đồng tiền hỗ trợ, bồi thường cho hành khách trên 134 chuyến bay bị chậm giờ.