Chiều 24/6, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức hội nghị công bố các chỉ số đánh giá về kết quả cải cách của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
Quảng Ninh có chỉ số cải cách hành chính cao nhất
Theo kết quả đánh giá các bộ và cơ quan ngang bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt chỉ số cải cách hành chính cao nhất ở năm thứ 6 liên tiếp với kết quả là 95,88%, cao hơn 12,64% so với đơn vị có chỉ số thấp nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Xếp thứ hai và ba là Bộ Tài Chính và Bộ Tư pháp. Theo Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng, kết quả chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2020 với nhóm các bộ, cơ quan ngang cho thấy sự phân hóa ở 2 nhóm điểm.
Nhóm thứ nhất là các bộ đạt kết quả chỉ số cải cách hành chính trên 90%, gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.
Nhóm thứ hai đạt kết quả chỉ số từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 bộ, ngành còn lại. Không có đơn vị nào có chỉ số cải cách hành chính dưới 80%.
Bảng xếp hạng cải cách hành chính cấp bộ năm 2020. Nguồn: Ban cải cách hành chính của Chính phủ. |
Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 đối với các địa phương được chia thành 3 nhóm. Nhóm A đạt kết quả từ 90% trở lên, gồm 2 tỉnh thành là Quảng Ninh (91,04) và Hải Phòng (90,51). Nhóm B có kết quả từ 80% đến dưới 90% gồm 56 tỉnh thành. Nhóm C có kết quả từ 70% đến dưới 80% gồm 5 tỉnh thành gồm: Bắc Kạn, Ninh Thuận, Kiên Giang, Phú Yên, Quảng Ngãi.
Theo đại diện Bộ Nội vụ, 5 địa phương có kết quả chỉ số cải cách hành chính giảm so với năm 2019 là Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Kiên Giang. Trong đó, đơn vị giảm nhiều nhất là Phú Yên.
Cả 6 vùng kinh tế đều có chỉ số cải cách hành chính tăng trong năm 2020, cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (85,88%). Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là vùng có chỉ số thấp nhất (81.41%).
Bình Thuận có chỉ số hài lòng thấp nhất
Bên cạnh việc đong đếm chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan Nhà nước, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ cũng triển khai đo lường chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Các tỉnh có chỉ số hài lòng thuộc nhóm cao nhất là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Còn Bình Thuận (75,68%), Đắk Lắk (77,425), Cao Bằng (78,85%), Quảng Bình (78,88%), Quảng Ngãi (79,61%), Kiên Giang (79,72%) và Bình Phước (79,85%) nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số hài lòng thuộc nhóm thấp nhất.
Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước cho thấy nhiều người vẫn bị phiền hà, sách nhiễu hoặc phải nộp tiền "bôi trơn". Ảnh: Phạm Ngôn. |
Cơ quan giám sát cũng thống kê 5,13% người dân ở cả 63 tỉnh thành phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công; 1,23% người dân ở 57/63 tỉnh thành bị phiền hà, sách nhiễu; 0,59% người dân ở 48/63 tỉnh thành phản ánh phải nộp tiền “bôi trơn”; 4,09% người dân ở 62/63 tỉnh thành bị trễ hẹn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Theo thống kê, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung trong cả nước năm 2020 là 85,48%. Trong số 63 tỉnh thành, khoảng cách chênh lệch giữa tỉnh có chỉ số hài lòng cao nhất và tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là 20,08%.
Kết quả khảo sát cũng chỉ rõ 2 nội dung mà người dân mong đợi nhiều nhất trong suốt 4 năm qua là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục.