1h ngày 4/2, anh Nguyễn Đức Chung (34 tuổi, quê Thái Bình, nhân viên trực ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn) ngồi tập trung trong phòng chỉ huy chạy tàu, thỉnh thoảng ngó lên chiếc đồng hồ rồi gọi điện cho phòng chỉ huy ga Lạng Sơn và Bằng Tường (Trung Quốc), xin đường ray cho những chuyến tàu liên vận cuối cùng đi qua Đồng Đăng.
Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa thống nhất với các đơn vị đường sắt Trung Quốc tạm dừng tàu liên vận giữa hai nước do diễn biến phức tạp của dịch virus corona (nCoV) ở Trung Quốc.
Chuyến tàu liên vận từ Nam Ninh (Trung Quốc) trở về ga Đồng Đăng. Ảnh: Hải Nam. |
Hạn chế hết mức phải ra khỏi nhà
“Kể từ khi tôi công tác tại ga, chưa bao giờ gặp đợt dịch bệnh nào có mức độ lây lan mạnh như virus corona, đến mức phải dừng tàu liên vận”, anh Chung cho hay.
13 năm công tác tại Đồng Đăng, theo anh Chung, đây là lần đầu tiên những chuyến tàu liên vận bị tạm dừng ở ga để thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Đêm nay, ca trực của anh đón một chuyến tàu từ Nam Ninh (Trung Quốc) và tiếp nhận một chuyến tàu khác từ ga Gia Lâm (Hà Nội) đi qua địa phận Trung Quốc. Đây gần như là những chuyến cuối cùng dành cho hành khách đã lỡ đặt vé từ trước.
Ngày 23/1, Việt Nam phát hiện 2 bố con người Trung Quốc dương tính với virus corona. Tại ga Đồng Đăng, nơi thường xuyên có sự giao thương với du khách và hàng hoá từ Trung Quốc, nhân viên nhận được thông báo và bắt đầu được triển khai các biện pháp phòng dịch sau đó một ngày, đúng vào 30 Tết Nguyên đán.
Anh Chung gắn bó với nghề trực ga tàu được gần 13 năm nhưng đây là lần đầu tiên các chuyến tàu liên vận bị tạm dừng vì dịch bệnh. Ảnh: Hải Nam. |
“Chúng tôi được cảnh báo về dịch bệnh truyền nhiễm bắt nguồn từ Trung Quốc. Lãnh đạo ga yêu cầu các anh em nhân viên luôn phải đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ, rửa tay, sát khuẩn theo quy định. Hàng ngày, nhân viên phun thuốc khử trùng sẽ đi một lượt ga để đảm bảo công tác phòng dịch”, anh Chung nói.
Sau khi nghe quyết định tạm dừng tàu liên vận giữa Trung Quốc và Việt Nam, anh cho biết cũng phần nào bớt lo lắng khi không còn phải tiếp xúc với người dân đi từ vùng dịch về.
“Tôi có 2 con, đứa lớp 4, đứa mới 2 tuổi. Từ khi nghe có dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc và xuất hiện tại Việt Nam, tôi hạn chế con ra khỏi nhà. Vợ tôi cũng chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần thiết”, anh Chung chia sẻ thêm.
"Nhớ đeo khẩu trang, sát trùng thật kỹ"
Ngày nào cũng như ngày nào, cửa khẩu quốc tế ga Đồng Đăng sẽ đón tàu từ Trung Quốc về lúc 23h và trung chuyển một chuyến tàu khác từ ga Gia Lâm đi qua Trung Quốc. Ca làm việc của thiếu tá Nguyễn Duy Đức (cán bộ phiên dịch) cũng như các chiến sĩ bộ đội biên phòng, nhân viên ga Đồng Đăng bắt đầu từ khoảng 22h đến 3h ngày hôm sau.
Tại cửa khẩu quốc tế ga Đồng Đăng (nằm trong khuôn viên ga Đồng Đăng), hàng ngày có hàng chục lượt khách từ Trung Quốc cũng như từ nước thứ ba qua thông quan, nhập cảnh.
Mọi chiến sĩ bộ đội biên phòng tại cửa khẩu quốc tế ga Đồng Đăng đều phải tuyệt đối đeo khẩu trang trong khi làm nhiệm vụ. Ảnh: Hải Nam. |
“Ngày nào tôi cũng phải tiếp xúc, nói chuyện với người Trung Quốc và người di chuyển từ Trung Quốc tới Việt Nam. Nghe thông tin có dịch virus corona tôi có lo nhưng nhiệm vụ được giao thì phải hoàn thành tốt”, thiếu tá Đức nói.
Với tính chất công việc phải tiếp xúc với nhiều người Trung Quốc, anh kể trong khoảng thời gian qua, câu nói anh nghe nhiều nhất từ vợ là: “Nhớ đeo khẩu trang, sát trùng thật kỹ”.
Vợ, con sống tại tỉnh Bắc Giang, cách nơi anh công tác hơn 100 km, vì vậy thời gian thiếu tá Đức được gặp gia đình rất ít.
“1 tháng tôi được nghỉ phép về thăm gia đình 3 ngày. Trừ đi thời gian di chuyển và chuẩn bị, tôi chỉ còn khoảng 2 ngày để ở cạnh vợ con”, anh tâm sự.
Đồ họa: Minh Hồng. |