Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ đồ bảo hộ của bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch

Đồ bảo hộ luôn tuân thủ nguyên tắc dùng một lần rồi bỏ. Các bác sĩ làm ca ngày 8 tiếng mặc từ lúc vào đến khi giao ca mới bỏ ra, cố nhịn ăn, uống để tránh mất thêm bộ nữa.

Trong thảm họa, an toàn là điều quan trọng nhất xuyên suốt mọi hoạt động. Việc sử dụng phương tiện bảo hộ luôn được đặt ra mỗi khi nhân viên y tế tiếp xúc với dịch bệnh.

Bảo hộ có nhiều loại, nhiều tiêu chuẩn và nhiều mức giá khác nhau sử dụng cho nhiều đối tượng khác nhau. Những bộ màu xanh tránh giọt bắn cùng giá tiền vừa phải trước đây trong các đợt ủng hộ nhu yếu phẩm sẽ được dùng cho các nhân viên vòng ngoài, nơi mối nguy cơ không cao lắm.

Còn bộ đồ đạt đủ các tiêu chuẩn dành cho những người tiếp xúc trực tiếp với nguy hiểm thường có màu trắng, dày vài lớp vải, chống được nước và hóa chất. Loại này khá đắt tiền, lên đến cả triệu đồng mỗi bộ.

Các đồ bảo hộ luôn tuân thủ nguyên tắc dùng một lần rồi bỏ, nên khi lồng những thứ đắt tiền vào người luôn phải tính toán tiết kiệm tối đa không được phí phạm. Các bạn làm ca ngày 8 tiếng là mặc từ lúc vào đến khi giao ca mới bỏ ra, cố nhịn ăn nhịn uống để tránh mất thêm bộ nữa. Dù không thiếu nhưng thói quen này trở thành ý thức tự giác của mỗi người.

Bo do bao ho cua bac si anh 1

Bác sĩ làm việc tại một viện dã chiến. Ảnh: Duy Hiệu.

Mùng 6 Tết âm lịch, năm Covid thứ hai

Tổ hỗ trợ điều trị thông báo một số bệnh nhân tại Viện dã chiến số 2 tổn thương phổi tiến triển nặng lên, cần hỗ trợ thêm nhân lực hồi sức. Một người trong số đó suy hô hấp nặng phải thở máy, có cơn bão cytokin và đi vào tình trạng sốc. Mình được thông báo chuẩn bị tinh thần xuống hỗ trợ nếu phải can thiệp kỹ thuật cao. Va-li đồ soạn để sẵn trên sàn nhà, chỉ cần gọi là lên đường.

Mùng 8 Tết, diễn biến xấu, compliance - độ giãn nở phổi giảm nguy cơ bị đông đặc. Đội ECMO - tim phổi nhân tạo vác máy lên đường. Ngày 10, mình đến tiếp viện.

Chiếc xe cứu thương chở mình lúc lắc ngồi sau vừa đi vừa rú còi xuống hội quân với đội chuyên gia đúng lúc mọi người chuẩn bị vào khu điều trị.

Viện dã chiến số 2 đóng tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, nơi quen thuộc, mình thường xuyên về đây giảng bài theo lời mời của các anh chị. Mấy ngày nắng ấm làm không khí trong veo cùng sự hồ hởi khi gặp lại người quen. Cái cây quen thuộc nằm trên sân không một chiếc lá, đen đúa bám đầy quả khô.

Mình mặc quần áo bảo hộ vào luôn khu hồi sức cùng đồng nghiệp rà soát lại bệnh án và điều chỉnh thuốc cho nhóm bệnh nhân nặng. Đồng nghiệp toàn những người đi xuyên Tết, ngày nào cũng túc trực tại nơi làm việc, có hôm xuyên đêm. Họ cũng có gia đình, có người thân và nhiều nỗi lo lắng về cuộc sống. Bây giờ dẹp tất cả qua một bên, xuống đóng quân tại nơi này.

Những tia nắng đầu tiên làm không khí ấm lên đồng nghĩa là những giọt mồ hôi sẽ xuất hiện nhiều hơn sau lớp áo bảo hộ tiêu chuẩn. Các phòng không được bật điều hòa, bởi khí quẩn trong phòng sẽ gia tăng mật độ và chiếc điều hòa sẽ trở thành nguồn phát tán virus. Cửa sổ mở, trời đứng gió. Buổi chiều, cái áo bên trong của mình ướt sũng.

Nhìn đội điều trị mặc đồ bảo hộ trắng tinh, miệng kín khẩu trang N95, đeo tấm chắn giọt bắn đi lại lạch bạch trong phòng. Mình tưởng tượng ra hình ảnh các nhà khoa học thuộc tổ chức SWORD trong series phim truyền hình WandaVision của Marvel, họ mặc bộ đồ bảo hộ trông như những người nuôi ong. Và thế là từ đó, mình gọi nhóm đồng nghiệp là… đội bác sĩ nuôi ông.

BS Ngô Đức Hùng / Nhã Nam và NXB Thế giới

SÁCH HAY