Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công Thương: Sắp tới cần có giải pháp kiểm soát lạm phát

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng sắp tới, cần có giải pháp kiểm soát lạm phát, đưa ra chính sách đối ứng phù hợp với các mặt hàng có thể tăng giá trong dài hạn.

18h ngày 6/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp thường kỳ tháng 10. Bộ trưởng Trần Văn Sơn đưa ra đánh giá kinh tế dần khởi sắc, phục hồi sau giãn cách xã hội.

"Ngay sau khi tham gia hội nghị COP26 và thăm chính thức Pháp, chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp Chính phủ thường kỳ", Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn mở đầu buổi họp báo.

Ông nhấn mạnh chuyến đi vừa qua của Thủ tướng và đoàn công tác thể hiện vai trò, vị thế của nước ta trong việc cùng giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, thắt chặt quan hệ với Anh và Pháp.

Tiếp tục hoàn thiện chiến lược tổng thể về chống dịch

Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, Chính phủ thống nhất đánh giá việc phòng, chống dịch đã đạt những kết quả quan trọng, giúp tạo động lực để phát triển kinh tế. Hiện, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, số bệnh nhân khỏi bệnh ngày càng tăng, tốc độ tiêm vaccine được đẩy nhanh.

Các hoạt động kinh tế - xã hội dần được phục hồi. WHO đánh giá cao tính hiệu quả và ưu việt, cách tiếp cận và các giải pháp chống dịch của Việt Nam.

hop bao chinh phu thuong ky thang 10.2021 anh 1

Bộ trưởng Trần Văn Sơn chủ trì họp báo. Ảnh: Tùng Hiếu.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Nghị quyết 128, tiếp tục hoàn thiện chiến lược tổng thể về chống dịch, báo cáo cấp có thẩm quyền, bảo đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất và nhất quán.

Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh, đào tạo, tập huấn nâng cao lực lượng chống dịch; thực hiện tốt việc cách ly, truy vết, chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch.

Bên cạnh đó là việc tiếp tục thực hiện 3 trụ cột chính. Thứ nhất, triển khai cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, có mục tiêu, có lộ trình. Thứ hai, xét nghiệm thần tốc, đảm bảo khoa học, tiết kiệm. Thứ ba, điều trị tích cực từ sớm, từ xa ngay tại cơ sở. Thực hiện phương châm 5K + vaccine + công nghệ và ý thức của người dân.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện chiến lược vaccine và bảo đảm có vaccine nhanh nhất, đẩy nhanh tiến độ tiêm.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế dần mở cửa trong trạng thái bình thường mới.

“Kinh tế tháng 10 đã khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp. Chỉ số CPI 10 tháng tăng 1,81%, thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây”, ông Sơn nói.

Số lao động có việc làm xuống mức thấp

Thông tin về tác động của đại dịch, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết dịch Covid-19 đã tác động đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên trong quý I, tăng lên 12,8 triệu người trong quý II và hơn 28,2 triệu người trong quý III. Trong quý III, 4,7 triệu người bị mất việc; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua: Số lượng lao động có việc làm quý III là 47,2 triệu người, giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Tiền lương, thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thiếu việc làm quý III là 4,46% (hơn 1,8 triệu người), tăng 1,86% so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%.

hop bao chinh phu thuong ky thang 10.2021 anh 2

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan. Ảnh: Tùng Hiếu.

Đáng lưu ý, có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Lao động có việc làm giảm, dịch chuyển lao động giữa các địa phương, vùng bị hạn chế đã làm cho thị trường lao động chia cắt cục bộ, nguy cơ thiếu hụt lao động ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực khi phục hồi sản xuất.

Đã chi hơn 21.800 tỷ tiền hỗ trợ

Về công tác hỗ trợ, theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, tính đến ngày 5/11, các địa phương đã giải quyết cho 9,3 triệu lao động, với số tiền 22.289 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 21.851 tỷ đồng (tương đương 98% tổng kinh phí được giải quyết).

Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, khó khăn phổ biến nhất hiện nay là xác định đối tượng hưởng hỗ trợ là một số đơn vị, tổ chức như Ngân hàng chính sách, Đài phát thanh - truyền hình các tỉnh/Trung ương... có thuộc đối tượng được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định hay không. Ông Hoan cho rằng việc này dẫn tới các đơn vị lúng túng trong cung cấp hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội thiếu căn cứ xác định đối tượng được hỗ trợ.

Ngoài ra, một bộ phận người lao động đã dừng tham gia BHTN di chuyển về địa phương sau đợt dịch thứ 4, thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ nhưng chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin nên vẫn chưa liên hệ để được hỗ trợ.

Về phương hướng triển khai thời gian tới, Thứ trưởng Hoan cho biết sẽ tập trung rà soát để hỗ trợ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và người lao động đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại đơn vị sự nghiệp công lập không được ngân sách bảo đảm chi thường xuyên theo quy định.

Hỗ trợ chi phí thuê nhà để lao động quay lại làm việc

Trả lời về biện pháp hỗ trợ lao động quay lại các vùng kinh tế làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất, ông cho biết sẽ tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin để người lao động biết thông tin chính xác.

Thứ hai, ưu tiên tiêm phòng vaccine cho người lao động, hỗ trợ chi phí y tế (khám sức khỏe, xét nghiệm Covid-19, cách ly…); hỗ trợ tạo thuận lợi cho người lao động đi lại khi tham gia thị trường lao động.

Thứ ba, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm.

Thứ tư, tổ chức phối hợp, thông tin giữa các địa phương để hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc, tạo điều kiện di chuyển, ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19.

Thứ năm, hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh chi phí sinh hoạt phí tối thiểu, chi phí đi lại, chi phí về y tế; hỗ trợ bố trí sắp xếp nhà ở tạm thời cho họ hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động ngoại tỉnh thuê nhà ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó là khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, động viên giữ mối liên hệ với lao động ngoại tỉnh đã về quê, sẵn sàng có chính sách hỗ trợ để đưa lao động quay trở lại làm việc khi doanh nghiệp mở dần quy mô hoạt động.

Sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn

Về giá nguyên vật liệu thế giới tăng cao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá việc việc tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than, giá vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, đưa giá hàng tiêu dùng trong nước tăng, ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân, ảnh hưởng năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất sang các nước. "Năm 2022 khi kinh tế thế giới và trong nước phục hồi thì áp lực lạm phát là rất lớn", ông Hải chia sẻ.

Từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt với nhiều biện pháp, rất có tác dụng và hiệu quả giảm việc tăng giá thành.

“Với Bộ Công Thương, chúng tôi phối hợp với Bộ Tái chính sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn để hạn chế mức tăng so với thế giới”, ông Hải nói.

Với mặt hàng điện, kể cả năm 2020 và 2021, Chính phủ đã có 5 đợt hỗ trợ giảm giá điện với số tiền 16.650 tỷ đồng.

“Khi yếu tố đầu vào tăng có thể làm tăng giá điện, nhưng chúng tôi đã báo cáo Chính phủ trong năm nay không tăng giá điện”, ông Hải nói.

Ông Hải cho rằng sắp tới, cần có giải pháp kiểm soát lạm phát, cần có sự tham khảo kịp thời, đưa ra chính sách đối ứng phù hợp với các mặt hàng có thể tăng giá trong dài hạn.

Bắt đầu có sự phục hồi sản xuất, kinh doanh

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Tổng cục Thống kê cho biết tháng 10, cả nước có 8.233 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 108.600 tỷ đồng, tăng 111,2% về số doanh nghiệp và tăng 73,9% về vốn đăng ký so với tháng trước. Ngoài ra, 4.304 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 29,8%.

hop bao chinh phu thuong ky thang 10.2021 anh 3

Cơ quan thống kê nhìn nhận hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi, những tín hiệu tích cực trong tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong việc Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Hoạt động xuất nhập khẩu tháng 10 tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 53,5 tỷ USD, giảm 0,4% so với tháng 9 và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 537,31 tỷ USD, tăng 22,2%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 giảm 0,2% so với tháng trước nhưng tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng đầu năm, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Hiếu Công - Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm