Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu bia bật tăng mạnh mẽ ngay sau khi BHN xuất hiện.
Cổ phiếu bia thăng hoa
Giá tham chiếu của BHN trong phiên chào sàn UPCoM ngày 28/10 là 39.000 đồng mỗi cổ phiếu. Thế nhưng, chỉ sau 8 phiên giao dịch, BHN đã tăng dựng đứng lên mức 144.700 đồng mỗi cổ phiếu (tương đương mức tăng 271%).
Việc BHN được nhà đầu tư săn đón nhờ dự báo về triển vọng khả quan của ngành. Theo nghiên cứu vừa được Nielsen công bố mới đây, tốc độ tăng trưởng của ngành đồ uống nói chung tại Việt Nam đang có sự chững lại đáng kể. Tuy vậy, nếu xét riêng về bia thì đây vẫn là ngành tăng trưởng ấn tượng. Kể từ quý III/2015, tốc độ tăng trưởng ngành bia Việt Nam thường đạt mức trên 13%.
Trong quý III/2016, tăng trưởng ngành bia đạt mức 9,2%. Riêng trong năm 2015, Việt Nam tiêu thụ 3,4 lít bia và là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á và nằm trong top 25 thế giới.
Dù liên tục tăng giá nhưng BHN rất hiếm có giao dịch thành công, do bên nắm giữ cổ phiếu không muốn bán ra. Theo thống kê trong 8 phiên giao dịch vừa qua, chỉ có khoảng 200.000 cổ phiếu BHN được sang tên.
Dù liên tục tăng giá nhưng BHN rất hiếm có giao dịch thành công do bên nắm giữ cổ phiếu BHN không muốn bán ra. Ảnh: TTXVN.
|
Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho nhóm cổ phiếu bia còn lại trên thị trường bật tăng mạnh, khi nhà đầu tư chuyển sang săn cổ phiếu của các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Thương mại Bia Hà Nội (HAT), Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hải Phòng (BHP), Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB), Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB) và Công ty cổ phần nước giải khát Chương Dương (SCD).
Cụ thể, nếu lấy mốc từ phiên 28/10 đến phiên 8/11, HAT đã tăng 35,5%, BHP tăng 140,7%, WSB tăng 60,7%, SMB tăng 41%. Ghi nhận mức tăng thấp nhất là SCD cũng đạt 25,6%.
Bộ Công Thương thắng lớn
Theo thống kê, Bộ Công Thương đang nắm giữ hơn 189 triệu cổ phiếu BHN. Với mức giá hiện là 144.700 đồng mỗi cổ phiếu thì giá trị cổ phiếu mà Bộ Công Thương đang nắm giữ lên đến 27.348 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 8 phiên giao dịch của BHN, giá trị số cổ phần mà bộ này đang đang nắm giữ tăng khoảng 20.000 tỷ đồng (tương đương 900 triệu USD).
Ngoài Habeco, Bộ Công Thương còn nắm giữ 89,5% cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Sau khi được sự chấp thuận, mới đây, Sabeco đã nộp đơn đăng ký niêm yết trên HOSE.
Thông tin Sabeco sắp niêm yết khiến cho giá cổ phiếu của tổng công ty này cũng tăng mạnh, nhất là sau khi nhà đầu tư chứng kiến sự thăng hoa của Habeco. Trên sàn OTC, nhiều lệnh chào mua Sabeco hiện ở mức 153.000 đồng mỗi cổ phần.
Giá chào sàn của Sabeco vẫn chưa được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng là sẽ không quá 100.000 đồng mỗi cổ phiếu. Với mức giá hiện tại của HBN thì nhiều khả năng Sabeco cũng rơi vào tình trạng “cháy hàng”. so với Habeco thì hoạt động sản xuất kinh doanh của Sabeco tốt hơn hẳn.
Báo cáo tài chính quý III/2016 vừa được Sabeco công bố cho thấy, lũy kế 9 tháng doanh thu đạt 21.809 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ 2015 nhờ sản lượng bia tiêu thụ đạt khoảng 1,2 tỷ lít). Trong đó, doanh thu từ bia đạt hơn 18.800 tỷ đồng, tương đương 86% tổng doanh thu. Với sản lượng tiêu thụ này, Sabeco tiếp tục duy trì vị thế số một tại thị trường Việt Nam.
Báo cáo tài chính của Sabeco cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.510 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ 2015). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty đạt 3.658 tỷ đồng (tăng 24% và hoàn thành mục tiêu lợi nhuận kế hoạch của cả năm 2016). Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu 9 tháng đạt 5.532 đồng. Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp của Sabeco giảm 40% xuống còn 488 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm 12% xuống chỉ còn 54 tỷ đồng.