Sáng nay, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) có văn bản phản hồi một số thông tin đề cập đến hiệu quả kinh tế của 2 dự án bôxit Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông).
Cụ thể, Vụ Công nghiệp nặng cho biết, theo báo cáo thực tế gần nhất về hiệu quả kinh tế của 2 dự án này, việc khai thác bôxit đang gặp nhiều thuận lợi ngoài dự kiến.
Thậm chí, với diễn biến khả quan của giá alumin trên thế giới giai đoạn cuối năm 2014 sang đầu năm nay, 2 nhà máy alumin tại Tân Rai và Nhân Cơ có cơ hội rút ngắn thời gian lỗ, thu hồi vốn sớm hơn so với dự kiến.
Thông tin này ngược lại với một số nhận định và tính toán của các chuyên gia chia sẻ tại buổi tọa đàm về dự án khai thác bôxit Tây Nguyên, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) tổ chức ngày 27/3/2015.
Thông tin tại buổi tọa đàm của các chuyên gia cho rằng, nếu sản xuất đủ 660.000 tấn alumin theo kế hoạch thì tổng lỗ năm 2015 của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ lên tới hơn 37 triệu USD.
Theo nhận định của tiến sĩ (TS) Nguyễn Thành Sơn - nguyên giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng, kế hoạch điều hành sản xuất năm 2014 của cả Tân Rai và Nhân Cơ là sản xuất và tiêu thụ 660.000 tấn alumin. Giá thành bình quân tính cả chi phí vận chuyển là 403-464 USD/tấn.
Trong khi đó, giá bán, theo báo cáo TKV gửi Thủ tướng Chính phủ là 324-346 USD. “Năm 2013, tỉ lệ thua lỗ là 20%. Năm 2014 tăng lên thành 21%. Riêng năm 2015 thì dự tính là lỗ 14%, với điều kiện sản xuất đủ 660.000 tấn theo kế hoạch. Nếu không đủ sản lượng này thì tỉ lệ thua lỗ cũng không giảm nhiều”, ông Sơn phân tích.
Bùn đỏ vương vãi, chỉ cần mưa lớn là bị rửa trôi và chảy tràn ra ngoài tại dự án khai thác bôxit Tây Nguyên. Ảnh: M.Vinh/Tuổi Trẻ. |
Chung nhận định trên, ông Nguyễn Văn Ban - nguyên trưởng ban alumin (Tổng công ty Khoáng sản VN), dẫn chứng: “Nước tiêu hao gấp đôi, tỉ lệ tiêu hao năng lượng tăng lên 25%, kiềm tăng 5-7kg/tấn alumin, và đặc biệt là thực thu alumin của nhà máy chỉ đạt 85%, trong khi bình quân của thế giới là 87%”. Điều này dẫn đến nếu nhà máy Tân Rai sản xuất 630.000 tấn/năm, giảm 20.000 tấn/năm so với công bố của TKV, thì mỗi năm mức tổn thất sẽ khoảng 40 triệu USD.
Báo cáo tình hình hiệu quả tài chính 2 dự án khai thác bôxit tại Tân Rai và Nhân Cơ (Tây Nguyên) của Bộ Công Thương cũng được thể hiện với những con số khác. Đối với dự án Tân Rai, thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế (HQKT) của dự án (cập nhật đến ngày 26/4/2014) tăng lên. Thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ giảm dưới 4 năm, thời gian thu hồi vốn nhờ vậy cũng sẽ giảm theo.
Hiện giá bán alumin trên thế giới đã bước vào chu kỳ tăng: Đầu năm 2014 (FOB cảng Gò Dầu) ở mức 300-310 USD/tấn, cuối năm ở mức 350-360 USD/tấn. Bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn, cao hơn so với tính toán của dự án là 325 USD/tấn. Mức giá trên đã vượt dự báo tăng giá alumin trong tính toán HQKT.
Về dự án nhà máy alumin Nhân Cơ, do điều kiện vận tải khó khăn hơn nên hiệu quả thấp hơn so với Tân Rai. Thời gian lỗ kế hoạch của dự án này là 5 năm, thời gian thu hồi vốn 12 năm. Đóng góp cho Ngân sách nhà nước 435.444 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 29% mức thu ngân sách năm 2013 của tỉnh Đăk Nông (1.500 tỷ đồng).
Với xu thế tăng giá alumin như cuối năm 2014 và đầu năm 2015, hiệu quả dự án sẽ tăng đáng kể. Nhờ vậy, thời gian lỗ kế hoạch sẽ giảm và thời gian thu hồi vốn dự kiến được rút ngắn.
Bộ Công Thương nhận định, dự án Tân Rai lỗ kế hoạch là 4 năm đầu, Nhân Cơ lỗ 5 năm đầu, do phải trả nợ các khoản vay đến hạn. Do đó, việc năm 2015 và một vài năm tiếp theo, các khoản lỗ mang tính chất lỗ kế hoạch theo dự kiến là quy luật. Ý kiến đánh giá, nếu sản xuất 660.000 tấn bôxít sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD là "vội vã, thiếu cơ sở".