Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công an xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân

Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ trong quý I năm 2021.

Chính phủ vừa quyết nghị thông qua đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định và trình Chính phủ trong quý I năm 2021.

Bo Cong an bao ve du lieu ca nhan anh 1

Hình mang tính minh họa. Ảnh: CNN.


Bộ Công an cho biết, trong thời đại công nghệ số, với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mang tính đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Theo Bộ Công an, việc xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân xuất phát từ một số yêu cầu cơ bản. Trước hết là yêu cầu từ sự phát triển kinh tế số và ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống xã hội.

Bên cạnh đó là yêu cầu từ công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; yêu cầu cấp bách của việc triển khai Chính phủ điện tử và thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; yêu cầu nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là các thông tin về lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khỏe, tài chính...

Trên thế giới, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản... và Liên minh châu Âu hết sức coi trọng. Thống kê cho thấy, hiện có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các quốc gia nhận định quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân là quyền riêng tư và được pháp luật bảo vệ. Bảo vệ dữ liệu cá nhân được thể hiện qua nhiều khía cạnh như: bảo đảm quyền tự chủ, quyền riêng tư và bảo toàn được danh dự, uy tín của mỗi cá nhân, giúp cá nhân kiểm soát tốt hơn các vấn đề trong cuộc sống, tăng cường niềm tin trong xã hội và là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy quyền được bày tỏ chính kiến, quyền tự do ngôn luận.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới, số lượng người sử dụng Internet của Việt Nam đã đạt hơn 64 triệu người, chiếm hơn 2/3 dân số (66%), tăng hơn 19% so với năm 2018. Việt Nam cũng xếp thứ 13 trên thế giới về số người dùng, trong đó có 58 triệu tài khoản Facebook, 62 triệu tài khoản Google.

Chính phủ vừa qua cũng đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ càng nhiều thì việc cung cấp, sử dụng thông tin cá nhân càng lớn. Điều này đặt ra cho Chính phủ bài toán phải quản lý sao cho hiệu quả, đảm bảo phòng ngừa, xử lý được các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân; đồng thời, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế…

Trình Quốc hội 2 luật mới do Bộ Công an soạn thảo

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung 2 luật trình Quốc hội cho ý kiến là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm