Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Bộ Công an cho biết, 3 năm triển khai Nghị định số 62/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú đã góp phần mang lại kết quả đáng khích lệ trong thực hiện Luật Cư trú, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thấy rằng, quy định của Nghị định số 62/2021/NĐ-CP vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng tình hình thực tiễn, nâng cao hiệu quả, giá trị góp phần quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của công tác đăng ký, quản lý cư trú như: Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa lược bỏ việc nộp, xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, mối quan hệ nhân thân và điều kiện đăng ký cư trú một số trường hợp; quy định cụ thể về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với việc khai báo thông tin về cư trú, điều chỉnh thông tin nơi ở hiện tại cho công dân theo hướng đơn giản hóa. Đồng thời, hoàn thiện quy định về nơi cư trú, xóa đăng ký cư trú, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng và điều chỉnh thông tin về cư trú, bảo đảm thích ứng việc chuyển đổi số, phát huy hiệu quả của Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế. Yêu cầu đặt ra là phải hiện đại hóa công tác quản lý cư trú theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới.
Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang đồng thời tiến hành chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Để đảm bảo thống nhất, đồng bộ và ứng dụng tối ưu hóa các hệ thống dữ liệu cần điều chỉnh quy định về Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Từ những lý do nêu trên cho thấy, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú thay thế Nghị định số 62/2021/NĐ-CP là rất cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay và những năm tiếp theo.
Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội hướng dẫn người dân thực hiện các quy định của Luật Cư trú. |
Quy định về đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú về: Nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển; nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú; các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân; hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú; hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký tạm trú; xây dựng, quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu về cư trú, thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghị định sẽ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đáng chú ý, theo quy định dự thảo Nghị định, về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp của người thuê nhà, cơ quan soạn thảo đã bổ sung thêm yêu cầu hợp đồng thuê nhà phải được công chứng, chứng thực. Cụ thể, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và có công chứng, chứng thực theo quy định của Luật Cư trú.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành (khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP), người thuê nhà khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê bằng hợp đồng thuê nhà phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở. Ngoài ra, trong các văn bản đều không yêu cầu hợp đồng thuê nhà bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Như vậy, nếu dự thảo được thông qua thì hợp đồng thuê nhà ở phải được công chứng, chứng thực nếu những người thuê nhà muốn đăng ký thường trú tại nhà thuê.
Dự thảo Nghị định cũng quy định về đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh. Trong đó, nơi thường trú của trẻ em mới sinh là nơi thường trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi thường trú khác nhau thì nơi thường trú của trẻ em mới sinh là nơi thường trú của cha hoặc mẹ mà trẻ em mới sinh thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi thường trú của trẻ em mới sinh là nơi do cha, mẹ thỏa thuận. Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó. Trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thường trú phải thực hiện đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho trẻ.
Toàn văn dự thảo Nghị định được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày 6/5/2024.