Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để trình Chính phủ và lấy ý kiến đóng góp của người dân.
Với 7 chương, 39 điều, dự thảo có nhiều điểm mới về xuất, nhập cảnh như quy định hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông được gắn chíp điện tử để lưu trữ thông tin về sinh trắc học, nhân thân của người được cấp và chữ ký số của cơ quan cấp.
Dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của Bộ Công an đề xuất gắn chip điện tử vào hộ chiếu. Ảnh minh họa. |
Theo Bộ Công an, việc cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong giải quyết các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất – nhập cảnh của công dân cũng như công tác quản lý trong lĩnh vực này.
Mặt khác, Chính phủ đã phê duyệt đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam nhưng đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh về hộ chiếu điện tử. Do đó, việc xây dựng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam với những quy định mới sẽ tạo cơ sở pháp lý trong việc cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử.
Vẫn như quy định hiện nay, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn không quá 5 năm tính từ ngày cấp và được gia hạn một lần không quá 3 năm. Hộ chiếu phổ thông không được gia hạn có thời hạn tối đa 10 năm với người trên 14 tuổi và không quá với 5 năm với trẻ em dưới 14 tuổi.
Dự thảo cũng quy định khi đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, người dân cần khai đủ thông tin vào tờ khai trước khi được kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nếu được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020.