Tại cuộc họp báo Bộ Công an chiều 25/6, các phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan đến lộ trình bỏ sổ hộ khẩu giấy và cấp mã số định danh cá nhân Bộ Công an đang thực hiện. Bên cạnh đó, vấn đề đặc thù đăng ký cư trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương cũng được nêu tại buổi họp.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), nhấn mạnh việc xóa bỏ các đặc thù về đăng ký cư trú là vấn đề rất lớn trong dự thảo Luật Cư trú lần này. Bởi nó liên quan trực tiếp đến nguyên tắc bình đẳng trong cư trú của người dân.
Hiện, người dân muốn đăng ký cư trú ở TP trực thuộc T.Ư thì phải có thời gian cư trú ít nhất một năm. Ngoài ra, Hà Nội có thêm các quy định theo Luật thủ đô, tức là người dân phải có thời gian sinh sống ít nhất 2 năm mới được đăng ký cư trú. Từ đó gây ra sự bất bình đẳng.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an). Ảnh: Hoàng Lam. |
Cục trưởng Cục Pháp chế cho rằng những quy định này phù hợp với điều kiện trước đây, khi các thành phố lớn cần giảm áp lực về cơ sở hạ tầng và các điều kiện an sinh khác. Nhưng quy định này lại đang xâm phạm đến quyền tự do cư trú và đi lại của người dân.
"Đề xuất của Bộ Công an là không có đặc thù về đăng ký cư trú để đảm bảo quyền con người, quyền công dân và phù hợp với xu thế chung của thời đại, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn", Cục trưởng Nguyễn Ngọc Anh nói.
Ông cũng cho biết thêm Bộ Công an sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền, các đại biểu quốc hội, nhân dân, tạo sự đồng tình, ủng hộ phương án này để dự thảo luật được văn minh và hiện đại.
Trao đổi với Zing về vấn đề này, tiến sĩ Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp của Bộ Tư pháp rất đồng tình với quan điểm cần bỏ sổ hộ khẩu để đảm bảo quyền cư trú của người dân. Ông nhìn nhận thời kỳ cần hạn chế việc di cư, di chuyển của người dân đã kết thúc từ rất lâu.
"Hoạt động kinh tế, học tập, làm việc của người dân không còn khoanh lại trong phạm vi làng, xã hay một tỉnh như trước. Nhu cầu di chuyển, cư trú của người dân trải rộng khắp nước. Sự ràng buộc người dân vào một đơn vị hành chính nào đấy rõ ràng là sự cản trở", ông Thất nói.
Đi cùng với sổ hộ khẩu là một loạt các thủ tục hành chính, mua bán đất, xây dựng nhà cửa, hay như việc xin học cho con đều dựa trên sổ hộ khẩu. Việc này bó buộc hoạt động, nhu cầu phát triển, hưởng thụ cuộc sống của người dân.
Điều 20 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật cư trú 2006 quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư:
Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư:
1. Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên;
2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình (vợ chồng; anh, chị, em ruột; bố mẹ với con; ông bà với cháu ruột...)
3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;
4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình;
5. Trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố;
b) Có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân;
c) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
6. Việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật thủ đô.