Mạng xã hội Trung Quốc mới đây nổ ra tranh cãi về sự việc "bố chồng hôn con dâu" trong một đám cưới ở tỉnh Giang Tô, miền Đông của Trung Quốc. Hầu hết ý kiến bày tỏ sự bất bình, tức giận trước hành động của ông bố, nhưng vẫn có một số người cho rằng đây chỉ là tục lệ truyền thống.
Con dâu bị bố chồng cưỡng hôn?
Theo Sina, sự việc xảy ra tại một trung tâm tiệc cưới ở thành phố Diêm Thành tối 22/2. Trong đoạn video lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, một người đàn ông dường như đang say rượu choàng vai một phụ nữ đi giữa đám đông khách dự tiệc. "Tân nương xinh đẹp vô cùng rộng lượng, cũng biết nhập gia tùy tục", người dẫn chương trình nói.
Khi câu trên vừa dứt và người phụ nữ vượt lên trước, người đàn ông bất ngờ quay sang ôm và có hành động giống như cưỡng hôn người phụ nữ. Phòng tiệc vang lên những tiếng hoan hô lẫn huýt sáo.
Bố chồng được cho là cưỡng hôn con dâu tại lễ cưới. Ảnh từ video. |
Hai nhân vật trong đoạn băng được xác định là bố chồng, một người họ Biện, và vợ của con trai ông, cô dâu trong đám cưới. Đoạn băng được chia sẻ rộng rãi cùng với những tin đồn như hai gia đình đánh nhau sau sự việc, người bố chồng nhảy lầu tự tử...
Ngày 27/2, những người trong cuộc thông qua một văn phòng luật sư lên tiếng về sự việc. Theo tuyên bố này, hành động của ông Biện thực chất là một tục lệ theo truyền thống cưới hỏi ở thành phố Diêm Thành, gọi là "quậy cô dâu". Ông Biện chỉ giả vờ hôn cô dâu và đây là động tác "biểu diễn", không phải là hôn thật, "càng không phải cưỡng hôn".
"Liên quan đến vụ việc 'bố chồng cưỡng hôn con dâu', bất cứ bài viết, video, hình ảnh nào liên quan đến ông Biện và con trai, con dâu ông đều là sự xâm hại đến quyền bảo vệ đời tư của ông và người nhà. Trong đó, cách nói 'bố chồng cưỡng hôn con dâu' càng là sự phỉ báng và sỉ nhục đối với nhân cách, danh dự của ông Biện", tuyên bố nêu.
Chỉ là tập tục truyền thống
Sự việc đã làm dấy lên hai luồng ý kiến trái chiều. Những người bảo vệ ông bố cho rằng đây chỉ là phong tục địa phương và "cư dân mạng đã phản ứng hơi quá".
"Việc bố chồng trêu ghẹo nàng dâu rất phổ biến tại vùng Giang Tô, Chiết Giang. Tại Đài Châu, bố chồng trêu con dâu còn 'ác' hơn thế này nên không cần phải quá ngạc nhiên", một ý kiến nhận được nhiều phản biện trên Weibo (mạng xã hội tương tự Twitter tại Trung Quốc) viết.
Người này còn giải thích rằng tập tục tượng trưng cho uy quyền của người cha, "giống như việc có món ăn gì ngon thì con cái đều biếu cha ăn trước, thể hiện lòng hiếu thuận".
Những người chia sẻ quan điểm này nói rằng ở nhiều nơi tại Trung Quốc, người dân vẫn giữ tục "náo hôn" (khuấy động hôn lễ bằng những trò vui). Do đó, đám cưới thường có những trò "thử thách" cô dâu chú rể cũng như cha mẹ của hai người.
Cô dâu chú rể (đứng giữa) và người bố chồng (ngoài cùng bên trái) trong lễ cưới. Ảnh: Weibo. |
Theo Beijing News, 4 công ty tổ chức tiệc cưới lớn ở Diêm Thành đều cho biết tục "náo hôn" rất phổ biến trong đám cưới tại địa phương. Họ thường đưa ra gợi ý và cung cấp dụng cụ để gia đình cô dâu chú rể thực hiện trò vui.
Một trong những trò thường diễn ra nhất là trò "cõng công chúa": Bố chồng cõng cô dâu đi một vòng hôn trường, vượt qua "chướng ngại vật" là những chiếc ghế do khách dự tiệc bày ra trên đường đi.
Hà Linh Lung, chuyên gia về văn hóa dân gian người Diêm Thành, cho biết thành phố này phân chia thành 2 khu vực đông tây bằng một con sông. Sự việc trong video diễn ra ở phía tây, nơi tục "náo hôn" vẫn thịnh hành.
"Thời xưa những người đứng đầu gia tộc ở đây có quyền uy không ai vượt qua. Con gái của một gia tộc khác khi được gả sang, đều phải trải qua màn 'náo hôn' tại đám cưới, với ý nghĩa đánh bại uy quyền đứng đầu gia tộc của bố chồng", vị chuyên gia nói.
"Do đó, thời xưa nhà gái luôn là phía chủ động 'quậy bố chồng', mục đích là để con gái về nhà chồng có thể chung sống hòa thuận".
Chuyên gia Hà cũng cho hay nhà gái và nhà trai sẽ thỏa thuận những quy ước nghiêm ngặt về màn "náo hôn", sao cho "không trái với thuần phong mỹ tục".
Về sự việc trên, vị chuyên gia cho rằng trong không khí náo nhiệt của tiệc cưới, cộng thêm hơi men, thì việc mất kiểm soát có thể xảy ra. "Nếu thực sự là hôn con dâu thì chắc chắn là trái với thuần phong mỹ tục".
Một khảo sát do mạng Wangyi (163) thực hiện năm ngoái cho thấy từ năm 2012 đến năm 2017, tỉnh Sơn Đông là nơi có nhiều màn "náo hôn" được báo chí đưa tin nhất với 47 vụ. Xếp sau lần lượt là các tỉnh Vân Nam, Hà Nam trong khi tỉnh Giang Tô chỉ có một vụ. Các vụ "náo hôn" chủ yếu nhắm đến chú rể với trò phổ biến nhất là trói người.
Vượt quá giới hạn luân lý
Tuy nhiên, hầu hết ý kiến trên mạng đều chỉ trích người bố chồng, cho rằng đây là hành động "đáng kinh tởm". Sau khi luật sư thay mặt gia đình ông Biện lên tiếng, những chỉ trích càng mạnh mẽ hơn.
"Đây không phải là vấn đề phong tục, mà là vấn đề nhân phẩm", một người bình luận bên dưới đoạn video được đăng trên Sina.
"Già mà không đứng đắn... Cô con dâu ly hôn luôn là được rồi đó. Gia phong kiểu gì không biết", một người khác bày tỏ quan điểm.
Phòng tiệc nơi diễn ra sự việc ở Diêm Thành, Giang Tô. Ảnh: Xiandai Kuaibao. |
Nhiều người nói họ từng chứng kiến nhiều đám cưới có những màn trêu chọc cô dâu bố chồng, nhưng chủ yếu là chọc bố chồng và chưa bao giờ thấy sự việc như thế này.
"Ác nhất là kêu bố chồng cõng con dâu nhưng bố chồng không chịu là được rồi", một người chia sẻ. "Dù sao tôi không thấy cũng không chắc là không có, nhưng ông bố chồng này, vốn dĩ là phường lưu manh".
"Nếu tôi là chú rể trong đám cưới này, với gan của tôi, e là tôi thực sự sẽ cầm lấy dao, ai mà cười thì chém luôn, để các người thấy máu trong ngày vui cho biết", một ý kiến bày tỏ sự tức giận.
Tuyên bố của luật sư ông Biện cũng vấp phải nhiều ý kiến phản bác khi nói "xã hội pháp trị không có chỗ cho những hành động tùy tiện", với ý chỉ trích công chúng chia sẻ đoạn video nhằm mục đích quảng cáo, thương mại.
"Xã hội pháp trị không có chỗ cho những màn biểu diễn vô liêm sỉ", một người phản bác. "Bất kể là hôn thật hay hôn giả, hành động của ông bố chồng với con dâu trong đoạn băng là quá sức thân mật, vượt quá giới hạn luân lý, càng vượt quá nhận thức tình cảm của người bình thường".