Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Chính trị nêu rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, 8 hành vi bao che

Hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, quyền hạn; tặng quà, tiền, bất động sản cho các lãnh đạo hay bổ nhiệm “cánh hẩu”… là những biểu hiện của hành vi chạy chức, chạy quyền.

Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền vừa được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Theo quy định của Bộ Chính trị, các cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

6 hành vi chạy chức, chạy quyền

Lần này, Bộ Chính trị quy định cụ thể 6 hành vi chạy chức, chạy quyền.

Một là tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

chay chuc,  chay quyen anh 1
Bộ Chính trị đã quy định cụ thể 6 hành vi được coi là chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che, tiếp tay. Ảnh: Nhật Bắc.

Hai là tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Ba là lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người.

Bốn là lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.

Năm là dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Sáu là sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

8 hành vi bao che, tiếp tay

Cũng trong quy định này, Bộ Chính trị nêu rõ 8 hành vi bao che, tiếp tay cho việc chạy chức, chạy quyền.

Một là biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thoả hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Hai là không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền.

Ba là lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình.

Bốn là xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

Năm là trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Sáu là trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi không chính đáng.

Bảy là tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, môi giới cho nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền nêu trên.

Tám là các hành vi khác nhằm bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Bộ Chính trị cấm người thân quan chức can thiệp vào công tác cán bộ

Với các hành vi chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ, Bộ Chính trị yêu cầu chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.


Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm