Dù khẳng định sâm ngoại, nhưng hầu hết mặt hàng này đều là xách tay, nhập lậu, thậm chí đã bị tách hết hoạt chất, thường được gọi là sâm rác.
Khảo sát của Tuổi Trẻ trên thị trường Việt Nam, đối chiếu với thị trường quốc tế và tham vấn các chuyên gia trong ngành, nhiều người phải giật mình với sâm được gọi là sâm Hàn Quốc.
Sâm ngoại rẻ bất ngờ
Tại căn nhà riêng cũng là điểm tập kết hàng ở đường Dương Quảng Hàm, phường 6, quận Gò Vấp, TP HCM, chúng tôi được bà N.T.L. lần lượt đem ra giới thiệu hàng loạt loại sâm tươi, sâm cắt lát, hồng sâm, nấm linh chi... đựng trong thùng carton lớn để chào hàng khách mua sỉ.
Trước khi gặp bà L., tìm hiểu trên website của cơ sở này, chúng tôi đã được đọc những dòng thông tin khẳng định các loại sâm, linh chi ở đây đều nhập khẩu chính hiệu từ Hàn Quốc. “Em lấy nhân sâm tươi đi, loại này giờ bán chạy lắm. Mỗi tuần hàng bên chị đưa về hai đợt. Đảm bảo hàng mua tận bên đó”, bà L. chào mời.
Thấy khách chưa mặn mà, bà L. tung ra hàng “hot” hơn là sâm tươi, món được nhiều người ưa thích do nhìn trực quan cả củ sâm đầy rễ nên có vẻ yên tâm không phải hàng giả.
Người bán hàng cam kết hộp sâm này là hàng nhập khẩu chính gốc Triều Tiên, tuy nhiên nhãn phụ tiếng Việt của sản phẩm lại ghi nguồn gốc từ Hong Kong, Trung Quốc. |
“Mùa này chủ yếu nhập sâm tươi loại 6-8 củ/kg. Giá bán lẻ 2,5-3 triệu đồng/kg. Giá bán sỉ cho đại lý giảm còn 1,8-2,3 triệu đồng/kg”, bà L. thuyết phục khách. Khi hỏi về giấy tờ nhập khẩu, bà L. khẳng định: “Mua cái này uy tín là chính, đảm bảo với em không đâu có giấy tờ nhập khẩu cả. Toàn hàng xách tay hết!”.
Để thuyết phục khách, bà L. đem ra hai mẫu nhân sâm kèm theo vỏ hộp in chữ Hàn Quốc: “Làm nghề lâu rồi chị nhìn sâm là phân biệt được ngay. Sâm Hàn Quốc có ít râu, nhánh, loại của Trung Quốc rễ tua tủa như san hô ấy”.
Thật ra giá 2,3-3 triệu đồng/kg cũng là mức phổ biến cho các loại sâm tươi 5-6 củ/kg đang bán chạy ở một loạt cửa hàng bán sâm trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP HCM) và hàng không bao giờ thiếu. “Anh muốn gì cũng có, nhập củ tươi hay sâm chế biến, thích cái nào anh cứ đặt hàng, tụi em hẹn ngày rồi anh ra lấy, hàng đảm bảo”, một người bán hàng ở đây cho biết.
Trong khi đó, khảo sát giá sâm tươi Hàn Quốc tại Seoul (gọi là susam) trên các trang: Korean-redginseng.com; gmarket.co.kr..., không có loại nào rẻ được như giá đang bán ở TP HCM. Loại sâm tươi có hình dáng giống như của bà L. hay sâm tươi tại quận 5 có giá rẻ cũng vào khoảng 0,26 USD/gam ở Seoul, tương đương 260 USD/kg, tức khoảng 5,84 triệu đồng/kg.
Đây là loại sâm thuộc hàng rẻ, với tuổi sâm dưới sáu năm. Các loại lâu năm hơn có giá khoảng 310 USD/kg trở lên. Các loại sâm bán tại Seoul phần lớn đóng trong các gói 250 gam và 500 gam. Trên các trang thương mại điện tử của Hàn Quốc cũng không thấy loại sâm nào, dù ít năm hơn, có giá rẻ như đang bán tại Việt Nam.
Ngay cả sâm tươi bán ở các trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Alibaba hay Made-in-China cũng không có giá rẻ được như Việt Nam. 1 kg sâm tươi nguyên củ bán trên các trang này có giá thấp nhất cũng vào khoảng 120 USD/kg, tương đương khoảng 2,7 triệu đồng/kg, vẫn cao hơn giá bà L. hay cửa hàng quận 5 bán lẻ.
Theo một chủ cửa hàng bán sâm tại phố Lãn Ông (Hà Nội), các hộp sâm Cao Ly thế này đều là hàng Hàn Quốc “xịn” nhưng trên hộp không hề có nhãn phụ hay giấy chứng nhận rõ ràng. |
Nhập nhèm nguồn gốc
Khảo sát tại hai khu vực được xem là “thủ phủ sâm” ở phố Lãn Ông và xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội), chúng tôi cũng giật mình, vì sâm bán tại đây chỉ được đựng trong những túi nilon rất sơ sài, không có nhãn mác hay thông tin về nguồn gốc.
Trong khi người bán ra sức cam kết là sâm Cao Ly nhập khẩu chính hãng từ Triều Tiên, nhưng nhãn phụ của một số sản phẩm lại ghi có nguồn gốc từ Hong Kong, Trung Quốc.
Bà Nhung, chủ cửa hàng tại Ninh Hiệp, cho biết, hàng tại đây phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, sau đó được tỏa đi khắp các tỉnh thành, trong đó có TP HCM.
Khi hỏi về nhân sâm, bà Nhung hồ hởi: “Giá nào cũng có”, sau đó đưa ra rất nhiều loại sâm được giới thiệu xuất xứ từ Triều Tiên và Trung Quốc.
Chỉ riêng sâm Trung Quốc cũng có đến 2-3 loại khác nhau, rẻ nhất là sâm đỏ được xắt thành lát mỏng giá 200.000 đồng/100 gam; sâm trắng (sâm râu) còn nguyên củ, nguyên râu, rễ có giá bán 250.000 đồng/100 gam.
Loại sâm được giới thiệu là sâm Cao Ly (Triều Tiên) tại cửa hàng này được bán với giá 1 triệu đồng/100 gam, có màu nâu đỏ, được sấy khô, cắt hết râu, rễ, kích cỡ giống như ngón tay. Tất cả sản phẩm được bà Nhung giới thiệu đều có điểm chung không có bao bì, nhãn mác mà chỉ được đựng trong những túi nilông trong suốt, buộc kín bằng dây rất sơ sài.
Sản phẩm sâm củ khô, tươi đã khó lựa chọn vì chẳng có nhãn mác, tiêu chuẩn, sâm đã qua chế biến cũng tù mù không kém.
Theo khảo sát thị trường của doanh nghiệp chuyên nhập khẩu sâm GH ở Hà Nội, tại Việt Nam hiện có 300 cửa hàng bán hồng sâm, linh chi và đều quảng cáo nhập từ Hàn Quốc và Triều Tiên. Vỏ hộp nào cũng dán nhãn “Red Korean Ginseng” thể hiện nguồn gốc Hàn Quốc, nhưng tên sản phẩm theo tiếng Hàn Quốc một đằng mà nhãn phụ tiếng Việt lại một nẻo.
Chẳng hạn sản phẩm Red Korean Ginseng 240 gam có giá 1 triệu đồng một hộp nhãn Hàn Quốc là hỗn hợp hồng sâm, nhưng nhãn phụ tiếng Việt lại là “cao hồng sâm sáu năm tuổi”. Loại trà hồng sâm lại được dịch ra tiếng Việt là... cao hồng sâm, bán 500.000 đồng một hộp 100 gam và được gán đủ tác dụng, kể cả làm đẹp, phòng chống và điều trị... ung thư!
Nhiều sản phẩm có nhãn là nhân sâm, hồng sâm nhưng xem kỹ thành phần thì sâm chỉ chiếm... 3%. Trong khi theo quy định của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược liệu Hàn Quốc, sản phẩm không có hàm lượng ginsenosids - hoạt chất quan trọng nhất trong nhân sâm 2,5 - 30 mg/gam sản phẩm thì không được ghi công dụng theo công dụng của nhân sâm.
Bã sâm, sâm rác
Theo bà Trần Thị Hồng Phương - Phó cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền Bộ Y tế, thị trường Việt Nam có sâm Hàn Quốc, sâm Việt Nam, Cát Lâm sâm (sâm Trung Quốc)..., tuy nhiên sâm Hàn Quốc chính gốc rất ít và không phổ biến. “Từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã cấp hơn 19 đơn hàng nhập dược liệu, trong đó có sâm và nấm linh chi nguyên liệu, nhưng tất cả đều là sâm Trung Quốc, không có đơn hàng nào nhập khẩu từ Hàn Quốc”, bà Phương cho hay.
Giải thích điều này, ông T.V.L., chủ cửa hàng chuyên bán sâm tươi ở quận 5, khẳng định nhập sâm tươi trước giờ đều qua đường xách tay nên không thể có giấy phép nhập khẩu.
Theo ông L., nguồn cung sâm trên thị trường hiện nay chủ yếu từ Hàn Quốc và Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, xách tay. Vì nếu nhập chính ngạch thì sâm sau khi thu hoạch ở Hàn Quốc phải được đóng gói hút chân không, kiểm định chất lượng phía nước họ trước khi đưa về Việt Nam, và muốn thông quan tại Việt Nam phải có giấy kiểm định, cho phép nhập khẩu của Bộ Y tế.
“Nếu nhập khẩu đúng quy trình thì chi phí đội lên cao, lợi nhuận thấp. Thêm nữa, người mua sâm chỉ tin tưởng là sâm Hàn Quốc khi củ sâm còn dính nguyên đất nên đành phải nhập... lậu để dễ bán”, ông L. phân tích.
Chính vì nhập lậu, hàng xách tay... nên chất lượng sâm bán trên thị trường gần như bị thả nổi. Mới đây, Thanh tra Bộ Y tế đã buộc dừng lưu hành lô nhân sâm chế biến thành dạng lỏng đựng trong túi thiếc để dùng sẵn, nhập khẩu từ Hàn Quốc không hề có saponin (ginsenosids) như công bố (hàm lượng công bố tối thiểu 270 mg/ml).
Bà N.T.L. đưa ra hàng loạt sản phẩm nhân sâm, hồng sâm, nấm linh chi để chào hàng tại điểm tập kết hàng đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp, TP HCM) |
Theo GS.TS Phạm Thanh Kỳ, nguyên hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội, trước đây khi đi kiểm tra đông dược cùng Bộ Y tế, hàm lượng chất saponin trong cam thảo đáng ra phải đạt 6% thì kiểm nghiệm thực tế chỉ chưa đầy 1%. “Nhân sâm cũng vậy, trước khi về đến Việt Nam đã bị tách chiết bớt hoạt chất nên phần còn lại chỉ nên gọi là rác dược liệu hoặc chất lượng kém. Muốn mua được nhân sâm tốt phải đưa đi kiểm nghiệm hoặc phải lựa chọn sản phẩm của nhà cung cấp có uy tín”, GS Kỳ hướng dẫn.
GS.TS Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu TP HCM, cũng khẳng định tình trạng sâm rác hay dược liệu rác không phải mới xuất hiện gần đây. Đó là việc những loại dược liệu bị chiết hết các dược chất quý, chỉ còn lại phần xơ bên ngoài.
“Hiện nay, không chỉ các sản phẩm sâm Hàn Quốc bị sâm Trung Quốc nhập nhèm gây nhầm lẫn. Bản thân sâm Ngọc Linh của Việt Nam cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng uy tín khi người bán trà trộn sâm kém chất lượng, sâm rác để bán”, bà Hương chia sẻ.
Khó phân biệt
GS.TS Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu TP HCM, khẳng định, phương pháp chính xác nhất là việc xác định hàm lượng căn bản của các loại sâm bằng định tính và định lượng. Hiện trung tâm có dịch vụ kiểm định chất lượng sâm, nếu người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp yêu cầu nhằm đảm bảo mua sản phẩm đúng chất lượng.
Cụ thể như loại sâm Ngọc Linh của Việt Nam, người tiêu dùng sẽ được các doanh nghiệp cung cấp “hồ sơ” của sản phẩm gồm: giấy kiểm định chất lượng từng củ, nguồn gốc vườn trồng...
Bà Trần Thị Hồng Phương (Phó cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế):
“Sâm trên thị trường đã chiết hết hoạt chất”
Sâm trên thị trường hiện nay nhập về chủ yếu theo đường tiểu ngạch, tức nhập lậu hoặc xách tay, những mặt hàng này nguồn gốc không rõ ràng. Còn sâm nguyên liệu nhập chính ngạch phần lớn là nhân sâm Trung Quốc, không có hàng Hàn Quốc.
Những nguyên liệu này sẽ được sử dụng làm thực phẩm chức năng, đưa vào cơ sở khám chữa bệnh hay sản xuất đông dược. Tuy nhiên, chủ yếu là làm thực phẩm chức năng và làm thuốc, cơ sở khám chữa bệnh sử dụng rất ít.
Trước đây người ta chiết 100% hoạt chất, nhưng gần đây thì không chiết hết mà để lại một tỉ lệ nhỏ hoạt chất để đối phó, khi kiểm nghiệm vẫn lên vết saponin, nhưng nếu đem định lượng thì ít có sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo dược điển Việt Nam. Gần đây khi đi kiểm tra tại một doanh nghiệp nhập khẩu sâm, chúng tôi thấy sâm dẻo và có vị ngọt như khoai lang nướng.
Đó là do ngay ở Trung Quốc người ta đã tẩm đường vào sâm, vì vốn sâm có vị ngọt, nay tách chiết hết hoạt chất thì miếng sâm sẽ khô, không có vẻ tươi nên việc tẩm đường sẽ làm miếng sâm trông có vẻ ngon và đẹp.
Doanh nghiệp này cũng cho biết họ muốn mua sâm phải đến vùng trồng đầu nguồn, chứ tại Việt Nam dù mua được loại sâm củ đẹp nhất nhưng kiểm nghiệm không có chút hoạt chất nào, chứng tỏ đã bị tách chiết 100% hoạt chất.
Sâm Ngọc Linh cũng bị nhái
Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam), đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) của tỉnh đến năm 2030 đã được sáu bộ thông qua, và hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Khi chính thức được Chính phủ phê duyệt, đây sẽ là dấu mốc để nâng tầm, đưa sâm Ngọc Linh của Việt Nam nổi bật trong bản đồ sâm thế giới”, ông Bửu khẳng định.
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế cũng như những chuyên gia trong ngành, sâm Ngọc Linh chứa 26 hợp chất saponin hiện có trong các loại sâm khác của Hàn Quốc, Mỹ... ngoài ra còn có trên 20 saponin có cấu trúc mới.
Do giá cao, sản lượng sâm chưa nhiều, phần lớn được trồng để nhân giống, nên theo ông Bửu, trên thị trường đã xuất hiện các loại sâm Ngọc Linh bị chiết hết dược tính, thậm chí sâm giả làm từ củ tam thất.
Vì vậy nếu đề án được phê duyệt, vùng trồng sâm Ngọc Linh sẽ được mở rộng từ 100 ha hiện nay lên 30.000 ha, đi kèm với đó là việc phát triển bảo tồn giống, phát triển ngành công nghiệp chế biến sâm, quảng bá thương hiệu sâm Việt Nam ra thế giới...