Bộ ba Phúc - Lộc - Thọ trong lễ rước đình đám ở Bắc Giang
Thứ năm, 8/3/2018 16:40 (GMT+7)
16:40 8/3/2018
Sáng 8/3, hàng nghìn du khách thập phương đổ về làng Thổ Hà (Bắc Giang) dự một trong những lễ hội đặc sắc, đẹp mắt nhất miền Bắc với những nhân vật hoá trang kiểu tuồng cổ.
5h sáng 8/3 (21 tháng Giêng), tại một gia đình trong xóm 2, làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang), hàng chục người già trẻ lớn bé tất bật hoá trang chuẩn bị cho lễ rước lớn 2 năm mới tổ chức một lần.
Họ là những nhân vật chính trong lễ rước của làng Thổ Hà. Cách hoá trang và diện trang phục mang đậm phong cách tuồng cổ.
Lễ hội có từ năm 1685, nhưng mãi tới năm 1992 dân làng mới phục dựng lại và duy trì cho tới ngày nay.
Hội làng Thổ Hà được tổ chức trong ba ngày, từ 20 đến 22 tháng Giêng, chính hội là hôm nay. Năm nào làng cũng tổ chức nhưng 2 năm mới rước lớn một lần. Đó là lý do dân làng và du khách khắp nơi náo nức đón chờ dịp đặc biệt này.
Đoàn rước xuất phát lúc 10h từ điếm trong làng (nơi thờ cúng các vị thần). Đi đầu là đại tướng với diện mạo uy phong lẫm liệt, tay rước đại kỳ.
Người dân đổ ra chật kín hai bên đường làng ngóng xem. Lễ hội nhằm tôn vinh, tưởng nhớ ông Đào Trí Tiến - người được xem là ông tổ nghề gốm của làng
Hai ông tuần đường với cờ hiệu đuôi nheo ra hiệu phất cờ tại điểm đầu và điểm cuối đoàn rước. Mỗi lần như vậy đoàn người lại chậm rãi tiến ba bước về phía trước.
Sau khi ra hiệu, hai ông tuần đường lại chạy ngược lại đổi chỗ cho nhau, kiểm tra kỹ càng rồi lại tiếp tục ra hiệu. Cứ như vậy, quãng đường từ điếm ra đình chỉ chưa đầy 200 m nhưng đoàn rước đã mất gần 2 giờ đồng hồ di chuyển.
Những bước đi chậm rãi cũng giúp người dân có thêm nhiều thời gian ngắm nhìn đoàn rước trong sự hoan hỉ, xôm tụ.
3 ông Tam đa (Phúc - Lộc - Thọ) đi ngay phía sau phường kèn sáo nhị là hình ảnh đặc trưng dễ nhận biết nhất của lễ hội Thổ Hà.
Hai em nhỏ "Tiên đồng ngọc nữ" (đi trước 3 ông Tam đa) được lựa chọn từ hàng trăm em nhỏ của làng. Tiêu chí lựa chọn là phải có khuôn mặt trắng tròn trịa, xinh tươi phúc hậu và tương xứng khi đi cạnh nhau.
Các phần lễ đẹp mắt và đặc sắc khiến cho du khách đổ về xem hội càng ngày càng đông sau mỗi năm.
Hai ông tổng cờ và tổng kiếm uy nghiêm đi trước kiệu. Ông rước dọc đường làng từ điếm ra tới đình làng. Người dân đứng chật kín hai bên đường chiêm ngưỡng.
Đi hai bên là các quan hộ vệ mang chấp kích hộ tống. Không chỉ trang phục mà cách hoá trang của các nhân vật phụ này cũng kém chi tiết, đặc sắc hơn so với các quan lớn, tướng và ba ông Tam đa.
Kiệu Chúa đi phía sau được các chị em phụ nữ trong làng thay nhau kề vai rước.
Đi sau cùng là những lễ vật dâng lên Thánh như bò thui, lợn quay cùng nhiều mâm lễ vật cung tiến khác.
Trước đó, vào năm 2012, lễ hội Thổ Hà được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Sự xuất hiện của hình tượng ba vị Tam đa, Tiên đồng - Ngọc nữ hay các ông Tổng cờ, Tổng kiếm... là những yếu tố khiến cho lễ hội Thổ Hà mang bản sắc khác biệt với nhiều nơi khác.
Chiều 20/11, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức công bố quyết định của Ban Bí thư, bổ nhiệm ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.