Tại họp báo thường kỳ 5/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế".
"Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và có những đóng góp trách nhiệm, xây dựng trong việc duy trì an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định ở Biển Đông", bà Hằng nói thêm.
Công ty ImageSat International (ISI) của Israel hôm 24/11 đăng tải hình ảnh vệ tinh cho thấy vật thể giống khinh khí cầu bay trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Những hình ảnh vệ tinh được ISI chụp vào ngày 18/11 là bằng chứng đầu tiên cho thấy Trung Quốc đã triển khai khinh khí cầu cho mục đích do thám trong khu vực, South China Morning Post cho biết.
Trước đó, tạp chí quốc phòng Kanwa Asian Defense, đưa tin Trung Quốc bắt đầu chế tạo hệ thống cảnh báo sớm bằng khinh khí cầu vào năm 2017. Các khinh khí cầu được lắp radar mảng pha để phát hiện các mục tiêu bay thấp.
Hình ảnh về vật thể giống khinh khí cầu do thám trên Đá Vành Khăn. Ảnh: ISI. |
Khinh khí cầu có thể hoạt động trên không trong thời gian dài, cung cấp một giải pháp cảnh báo sớm hiệu quả, chi phí thấp để giám sát một khu vực rộng lớn. Đặc biệt là ở những khu vực mà việc triển khai máy bay cảnh báo sớm khó khăn hơn.
Khi kết hợp với radar mặt đất, vệ tinh và máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không, chúng có thể tạo nên mạng lưới giám sát toàn diện. Theo tạp chí Kanwa, khinh khí cầu cảnh báo sớm đang được triển khai ở một số điểm nóng, như biên giới Triều Tiên, eo biển Đài Loan.
Cũng theo Kanwa, khinh khí cầu giám sát có thể theo dõi mục tiêu trên không và trên đất liền trong bán kính 300 km. Quân đội Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông bằng cách quân sự hóa các thực thể nhân tạo mà họ bồi lấp trái phép trong khu vực tranh chấp.