Nhà báo, bình luận viên Trương Anh Ngọc, người đang giữ chức vụ Trưởng cơ quan thường trú Thông Tấn Xã Việt Nam tại Italy có những chia sẻ về sự tương đồng giữa hình ảnh CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng và không khí cuồng nhiệt tại sân bóng nổi tiếng thế giới San Siro.
Sân vận động San Siro (tên gọi khác: Giuseppe Meazza) là một sân bóng đá nằm ở quận San Siro (Milano, Italy). Đây là sân nhà chung của AC Milan và đối thủ Inter Milan. Sân vận động này nổi tiếng với pháo sáng, pháo khói và sự cuồng nhiệt của cổ động viên Italy.
- Anh có thể chia sẻ sự tương đồng và khác biệt giữa hình ảnh CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng ở V.League so với các CĐV trên sân San Siro tại Italy?
- Tôi không thấy sự khác biệt nào trong tình yêu và nỗi đam mê lớn lao mà các CĐV trên thế giới dành cho bóng đá nói chung và đội bóng yêu mến của mình nói riêng. Tôi thích sự so sánh hình ảnh mà các CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy vừa rồi với San Siro. Nó thể hiện sự cuồng nhiệt lớn lao mà những người hâm mộ đã đem đến cho sân bóng, và trên thực tế, "màn trình diễn" khán đài ấy cũng chỉ là một phần những gì mà người Hải Phòng đã thể hiện trong chuyến đi đến Hà Nội, cho thấy họ được tổ chức rất tốt, bài bản, quy tụ được rất nhiều người có chung tình yêu bóng đá, vì một mục đích chung. Cách tổ chức đó trên thực tế rất chuyên nghiệp và gần gũi với cách mà các cổ động viên châu Âu đã làm trong nhiều năm qua. Chỉ cần một tình yêu trong sáng và đích thực, có được sự tổ chức một cách bài bản và có mối liên hệ chặt chẽ với CLB. Chính mối quan hệ tương hỗ ấy là nền tảng để bóng đá phát triển.
- Việc CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trên khán đài không tuân thủ luật của Ban tổ chức V.League, nhưng nó đem lại cảm xúc cuồng nhiệt hiếm hoi cho một trận đấu ở V.League, anh đánh giá như thế nào về điều này?
Ban tổ chức sân Hàng Đẫy bị phạt 15 triệu đồng vì để người hâm mộ đốt pháo sáng trong trận đấu Hà Nội T&T thắng Hải Phòng 2-1 chiều 8/5. Đây không phải lần đầu các đội khác bị phạt khi đón tiếp CĐV Hải Phòng.
Đấy là sự tràn lan của các tiêu cực trong và ngoài sân cỏ kéo dài rất nhiều năm khiến người hâm mộ mất hết niềm tin và đã quay ra ghét bỏ; là sự chuyển đổi tên các đội bóng sau mỗi lần sang tên cho một chủ mới, khiến cho người ta mất luôn sự liên hệ với quá khứ và tính địa phương; là sự phát triển quá nóng trong khâu xã hội hóa bóng đá để chiều lòng các ông chủ hơn là người hâm mộ; và là sự thiếu chuyên nghiệp trong cách nghĩ, cách làm của một nền bóng đá không hề chuyên nghiệp như tên gọi.
Bóng đá CLB luôn gắn với địa phương. Đấy là một điều rõ ràng. Ngoại trừ tổ chức bóng đá theo kiểu ngày xưa, với các đội bóng ngành, thì địa phương chính là nơi nuôi dưỡng đội bóng về mặt tình cảm, khi "cung cấp" cho họ sự cổ vũ của người hâm mộ. Điều này ở phương Tây rất rõ. Ta chưa cần nói đến những CLB lớn. Ngay cả những đội bóng hạng hai, hạng ba, thậm chí nghiệp dư cũng có thể có một đội ngũ cổ động viên hùng hậu và họ yêu một tình yêu cha truyền con nối, khiến các sân bóng đông nghẹt khán giả và nơi có mặt của các gia đình.
Ngày trước, các sân bóng của chúng ta cũng đông nghẹt người. Các trận đấu lớn cũng đầy cảm xúc cả trên sân bóng lẫn trên khán đài. Tính chuyên nghiệp của bóng đá bây giờ thì cố phải bằng Tây, còn về số lượng khán giả thì chẳng cần nhìn đâu xa, hãy học quá khứ.
Từ năm 2010, bình luận viên, nhà báo Trương Anh Ngọc được FIFA
mời đại diện cho làng báo Việt Nam bầu chọn Quả bóng vàng FIFA. Euro 2016 sắp tới, nhà báo Anh Ngọc sẽ lái xe từ Italy sang Pháp để tác nghiệp tại sự kiện bóng đá lớn nhất châu Âu trong năm nay. |
- Anh có thể chia sẻ góc nhìn và giải pháp của mình để giúp khán đài V.League cuồng nhiệt hơn, sôi động hơn?
- Điều đó phụ thuộc vào một yếu tố chính: bóng đá. Bóng đá cũng giống như một sản phẩm và bạn là một nhà tiêu dùng. Nếu sản phẩm ấy không có chất lượng, không thu hút được bạn về mẫu mã, thì liệu bạn có mua không?
V.League có thu hút được khán giả hay không không nằm trong các chiêu như tổ chức ca nhạc hay người mẫu trước trận, hoặc các chiến dịch quảng bá sản phẩm nào đó gắn với bóng đá mà phải chính là bóng đá. Cứ đá hay, đá sạch, đá hết mình, khán giả sẽ đến sân thôi. Và khi khán giả đến rồi, tập hợp lại họ một cách bài bản như Hải Phòng hay SLNA đã làm thì là một điều tuyệt vời. Bóng đá sống được là vì như thế!
Nhà báo Anh Ngọc (tên đầy đủ là Trương Anh Ngọc, sinh ngày 19/1/1976 tại Hà Nội) là phóng viên thời sự quốc tế, phóng viên thể thao, bình luận viên bóng đá, nhà văn. Anh Ngọc được biết nhiều khi là một trong những nhà báo thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt về bóng đá Italy. Ngoài ra, anh cũng nổi tiếng là một trong những bình luận viên được yêu thích qua nhiều giải đấu và là phóng viên tác nghiệp tại các sự kiện thể thao lớn trong và ngoài nước. Kể từ năm 2010, anh là phóng viên Việt Nam đầu tiên và duy nhất tới nay được tạp chí danh tiếng France Football mời tham gia bình chọn cho danh hiệu Quả bóng vàng FIFA.
Song song với công việc phóng viên, Anh Ngọc cũng đã cho ra mắt những cuốn ký sự viết về hành trình khám phá và tác nghiệp của mình. Cuốn sách đầu tay "Nước Ý, câu chuyện tình của tôi" được phát hành vào tháng 5 năm 2012 có được nhiều đánh giá rất tích cực từ người hâm mộ. Cuốn sách thứ hai "Phút 90++" được ra mắt vào tháng 10/2013 cũng có được tiếng vang lớn.