Đáng ra, Nga phải trả khoản lãi suất trị giá khoảng 100 triệu USD này từ hôm 27/5, nhưng được ân hạn đến ngày 26/6. Do không thể trả tiền sau mốc thời gian này, Nga đã rơi vào tình trạng vỡ nợ về mặt kỹ thuật, theo Bloomberg.
"Đây là điều rất hiếm khi xảy ra: Một chính phủ có thể trả nợ, nhưng bị một chính phủ nước ngoài ép buộc rơi vào tình trạng vỡ nợ", ông Hassan Malik, chuyên gia tại công ty Loomis Sayles (Mỹ), nói, theo Bloomberg.
Về phần mình, Moscow phản đối việc sử dụng thuật ngữ "vỡ nợ". Theo giới chức Nga, họ có đủ nguồn lực tài chính để chi trả bất cứ khoản phí nào, nhưng không thể thanh toán.
Hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây khiến Moscow không thể trả lãi suất trái phiếu cho các nhà đầu tư bằng USD hay euro. Ảnh: AFP. |
Hồi đầu tháng 6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố phương Tây ép Nga đến cảnh "vỡ nợ nhân tạo", theo Tass. "Tôi gọi là nhân tạo, vì tình huống do họ tạo ra chứ không có cơ sở thực tế nào về vỡ nợ của Nga".
Kể từ sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine hôm 24/2, nước này đối mặt hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, khiến Moscow không thể trả lãi suất trái phiếu cho các nhà đầu tư bằng USD hay euro.
Hôm 22/6, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh thiết lập các thủ tục tạm thời để thực hiện các nghĩa vụ nợ nước ngoài.
Ông Putin ra lệnh chính phủ trong 10 ngày phải chọn ra các ngân hàng có khả năng xử lý các khoản thanh toán liên quan trái phiếu châu Âu, tương tự cơ chế Moscow áp dụng để xử lý các khoản thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 23/6 gọi tình hình hiện nay là “trò hề”, khi Nga có đủ phương tiện và ý chí trả nợ nhờ nguồn tiền từ xuất khẩu năng lượng.
“Mọi người có thể tuyên bố bất cứ điều gì họ muốn”, ông nói. “Nhưng bất cứ ai hiểu chuyện đều biết rằng đây không phải vỡ nợ”.
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư chưa nhận được tiền thanh toán từ Nga sẽ không cần hành động ngay lập tức. Thay vào đó, họ có thể theo dõi diễn biến cuộc xung đột tại Ukraine và hy vọng các lệnh cấm vận sẽ dần được dỡ bỏ.
“Hầu hết người mua trái phiếu sẽ tiếp tục chờ đợi”, ông Takahide Kiuchi, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản), nói.