"Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới đã được ký trong tháng này. Nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới không tham gia hiệp định đó", các chuyên gia kinh tế của Bloomberg nhận định. Hãng tin Mỹ nhận định điều này sẽ khiến cả Tổng thống đắc cử Joe Biden lẫn phe Cộng hòa lo lắng về việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Sau 8 năm đàm phán, 10 quốc gia thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hôm 15/11 vừa qua.
Các chuyên gia nhận định tác động lâu dài của hiệp định sẽ rất đáng kể. RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, quy mô lên đến 26.000 tỷ USD, chiếm đến 30% tổng GDP toàn cầu, khu vực thị trường có hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng.
RCEP đã được ký kết gồm 10 nước ASEAN cùng 5 nước là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. |
Quy định về xuất xứ được đơn giản hóa cũng giúp hoạt động của các công ty trong khu vực trở nên dễ dàng hơn. Để đảm bảo sức mạnh cạnh tranh, nhiều công ty đa quốc gia thậm chí phải chuyển dịch sản xuất sang khu vực này. Thương mại khu vực cũng hưởng lợi từ công nghệ cao của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong khi đó, sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi năm 2017, Mỹ cũng không tham gia các thỏa thuận thương mại lớn ở khu vực kinh tế năng động nhất thế giới. Điều đó đặt doanh nghiệp và người lao động Mỹ vào tình thế bất lợi.
Các chuyên gia thương mại cho rằng Mỹ sẽ hưởng lợi nếu quay lại với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phiên bản mới của TPP. Một số quốc gia thành viên sẽ hưởng lợi đáng kể nếu có thêm thị trường khổng lồ của Mỹ.
Chính phủ mới tại Mỹ có thể vượt qua những lời phản đối trong nước bằng cách thực hiện cam kết đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là chương trình hỗ trợ những lao động bị mất việc do doanh nghiệp chuyển sản xuất sang nước ngoài. Bên cạnh đó, chính quyền mới sẽ thúc đẩy các biện pháp bảo vệ người lao động và môi trường.
Bản đồ các quốc gia tham gia Hiệp định RCEP. Ảnh: Bloomberg. |
Một chiến lược khả thi khác là tìm kiếm một thỏa thuận hẹp và ít gây tranh cãi hơn. Thỏa thuận có thể tập trung vào một lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn thương mại kỹ thuật số, để xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Sự ủng hộ đối với thương mại tại Mỹ đang ở mức cao đáng ngạc nhiên, không chỉ các doanh nghiệp mà còn những cử tri bình thường tại cả hai phía. Bloomberg cho rằng nếu Mỹ muốn kìm hãm các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, việc tham gia một thỏa thuận là một trong những vũ khí hiệu quả nhất.
Theo Bloomberg, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ có thể bắt đầu bằng cách thỏa thuận để mở rộng quyền xúc tiến thương mại (TPA) nhằm tạo cơ hội thành công cho các cuộc đàm phán.
"Việc ký kết RCEP cho thấy các nhà lãnh đạo châu Á đánh giá cao lợi ích của hợp tác và thỏa hiệp. Nếu Mỹ muốn củng cố ảnh hưởng ở châu Á, đảng Cộng hòa và Dân chủ cần phải đi theo hướng đó", hãng tin Mỹ nhấn mạnh.