Dịch Covid-19 giáng cú đòn mạnh vào các nền kinh tế mới nổi. Ước tính hơn 100 tỷ USD vốn đầu tư đã chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi chỉ trong tháng 3. Tuy nhiên, theo Bloomberg, Đông Nam Á, Ấn Độ và Nam Phi vẫn có thể lạc quan.
Nguyên nhân chính là Trung Quốc. Trước khi dịch virus corona chủng mới bùng nổ, Trung Quốc giữ vị thế kiểm soát sản xuất và thương mại toàn cầu. Bất chấp việc giá lao động Trung Quốc tăng cao, các công ty quốc tế vẫn ngần ngại, không quyết liệt dịch chuyển sản xuất.
Các nền kinh tế cạnh tranh với Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với mạng lưới sản xuất và cung ứng đã được thiết lập vững vàng tại nền kinh tế 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, dịch Covid-19 cho thấy rủi ro của việc phụ thuộc vào Trung Quốc là quá lớn.
Các nền kinh tế đang phát triển đang quyết liệt tìm cách thay đổi tình hình. Chính phủ Việt Nam khẳng định với các nhà đầu tư rằng Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận đầu tư nước ngoài vào các dự án mới hoặc di dời sản xuất sang Việt Nam.
Dịch Covid-19 cho thấy việc dựa hoàn toàn vào Trung Quốc gây ra nhiều rủi ro. Ảnh: AFP. |
Trong bài phát biểu về gói kích thích kinh tế của Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi nhắc đến "các chuỗi cung ứng" tới 8 lần. New Delhi đang mở chiến dịch thu hút các nhà máy từ Trung Quốc, bao gồm kế hoạch thành lập một trung tâm sản xuất dược phẩm.
Chính quyền Ấn Độ cho biết đang xây dựng một ngân hàng đất để thu hút các công ty nước ngoài. Ngành công nghiệp điện tử Ấn Độ cũng bày tỏ tham vọng tăng gấp đôi xuất khẩu trong 3 năm tới. Tại Nam Phi, Bộ trưởng Tài chính Tito Mboweni tuyên bố quyết cải tổ để thu hút đầu tư.
Theo Bloomberg, dịch Covid-19 chưa làm xói mòn lợi thế sản xuất hiệu quả cao của Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty toàn cầu hoàn toàn có thể đa đạng hóa các chuỗi cung ứng để đảm bảo sự bền vững và an toàn cao hơn.
Bloomberg cho rằng để thu hút được các công ty nước ngoài, những nền kinh tế mới nổi trên cần đảm bảo các chính sách thuế và đầu tư minh bạch, ổn định, mở rộng thị trường tài chính....