Ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông bắt đầu thu hồi các đặc quyền thương mại của Hong Kong. Ông tin rằng quyết định của mình sẽ ảnh hưởng đến "toàn bộ các thỏa thuận" mà Mỹ đã ký kết với Hong Kong và chỉ có "một vài ngoại lệ".
Tuy nhiên, ông Trump không nêu cụ thể về tiến trình thu hồi cũng như những đặc quyền kinh tế nào sẽ bị xóa bỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Ông John Marrett, nhà phân tích cấp cao tại Cơ quan Tình báo Kinh tế nhận định rằng: "Điều này chắc chắn không mang ý nghĩa tích cực, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết đầy đủ thông tin. Có nhiều chi tiết về các vấn đề khác như visa và nhập cư. Chúng ta phải chờ xem diễn biến liệu có nghiêm trọng như tuyên bố không".
Hong Kong bị ảnh hưởng ra sao?
Vai trò chủ yếu của Hong Kong là trung tâm giao dịch cho thị trường Trung Quốc đại lục. Hoạt động thương mại trực tiếp chỉ chiếm một phần nhỏ trong nền kinh tế của Hong Kong. Hàng hóa do thành phố sản xuất có thể sẽ bị Mỹ đánh thuế, tuy nhiên, ảnh hưởng chỉ là rất nhỏ.
"Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả kịch bản khác nhau", ông Paul Chan Mo-po, người đứng đầu Cơ quan Tài chính Hong Kong cho hay.
Ông cũng nhận định rằng, việc thu hồi các ưu đãi đặc biệt sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến nền kinh tế Hong Kong, vốn bị chi phối bởi ngành dịch vụ.
Thuế quan sẽ chỉ ảnh hưởng đến các sản phẩm sản xuất nội địa để xuất khẩu sang Mỹ. Số lượng các mặt hàng này chiếm chưa tới 2% sản lượng hàng hóa của Hong Kong, và nhỏ hơn 0,1% tổng sản lượng xuất khẩu của thành phố, ông Chan cho biết thêm.
"Các ưu đãi thương mại đặc biệt của chúng tôi được trao bởi Luật Cơ bản. Theo đó, Luật cho phép Hong Kong gia nhập WTO với tư cách là Hong Kong (Trung Quốc), cho thấy khu thuế quan độc lập của đặc khu hành chính được cấp bởi đại lục, chứ không phải bởi bất kỳ quốc gia nào khác", ông Chan nhấn mạnh.
Câu hỏi còn lại là liệu Mỹ có tránh áp đặt các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực tài chính hay không, khi những áp đặt này có thể tác động tiêu cực đến các công ty Mỹ ở Hong Kong.
Dù sao, động thái này sẽ làm giảm bớt những lo lắng đã có từ trước về khả năng tồn tại lâu dài của trung tâm tài chính hàng đầu Châu Á.
Ông Chen Ziwu, Giám đốc Viện Châu Á Toàn cầu tại Đại học Hong Kong, nhận định: "Hậu quả lớn nhất là quyết định của Mỹ đang hạ thấp dần tầm quan trọng của Hong Kong đối với Trung Quốc và thế giới, cũng như làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc. Việc loại bỏ Hong Kong như một vùng đệm giữa Trung Quốc và phương Tây đã đẩy hai cường quốc vào một cuộc xung đột mới".
Vai trò cùng đệm cua Hong Kong bị loại bỏ, Trung Quốc và Mỹ bước vào cuộc xung đột mới. Ảnh: Warton Li. |
"Khi vai trò vùng đệm không còn nữa, Hong Kong chỉ là một thành phố của Trung Quốc. Cuộc xung đột sẽ chuyển sang trạng thái đối đầu trực diện 100% theo nghĩa đen, gây bất lợi cho sự phát triển của Trung Quốc và làm suy yếu khả năng tăng trưởng, hòa bình của quốc gia này", ông Chen cho biết thêm.
Đầu tuần trước, một nguồn tin từ Nhà Trắng cho hay, việc thu hồi các ưu đãi đặc biệt đối với Hong Kong là một "phương án hạt nhân", có thể tiến hành ngay lập tức nhưng cũng có thể được giữ lại.
Hong Kong có thể mất vị thế là khu vực hải quan đặc biệt, nhưng thành phố này sẽ vẫn là một cảng tự do và duy trình tư cách thành viên của WTO, đồng nghĩa với việc Hong Kong sẽ tiếp tục giao dịch theo chế độ ưu đãi tối huệ quốc với Mỹ.
William Marshall, chuyên gia kiểm soát xuất khẩu tại công ty luật Tiang & Partners nhận định rằng: "Động thái đình chỉ trạng thái thương mại riêng biệt của Mỹ có ý nghĩa trong việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ hơn là mở rộng thương mại hàng hóa. Hong Kong sẽ phải chịu những biện pháp kiểm soát hiện áp dụng đối với Trung Quốc, điều này chắc chắn gây tác động tiêu cực đến tầm nhìn của Trung Quốc đối với Hong Kong trong kế hoạch Khu vực Vịnh lớn".
Các chuyên không dự báo giá trị đồng USD tại Hong Kong sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics cho biết: "Trong ngắn hạn, chúng ta có thể thấy sự biến động gia tăng của dòng vốn và tỷ giá hối đoái của đồng đôla Hong Kong so với đồng USD, đặc biệt là nếu chính phủ Mỹ có hành động mạnh mẽ hơn đối với tình trạng đặc biệt của Hong Kong".
Tuy nhiên, ông Louis cũng nhấn mạnh rằng, về lâu dài, sự ổn định của tỷ giá giữa đồng đôla Hong Kong với đồng USD khó có thể bị hạ gục. Chính quyền Hong Kong có "quy mô dự trữ ngoại hối lớn, ở mức 441 tỷ USD vào tháng 4, gấp đôi quy mô của cơ sở tiền tệ" của thành phố.
Tác động đến kinh tế Trung Quốc và các công ty Mỹ tại Hong Kong
Carlos Casanova, nhà phân tích châu Á-Thái Bình Dương tại công ty bảo hiểm Coface, cho biết điều quan trọng là sự không chắc chắn về tương lai của thành phố. Một trung tâm tài chính toàn cầu có thể "gây nguy hiểm cho khả năng của các công ty Trung Quốc trong việc tiếp cận tài chính và mua các giao dịch ở nước ngoài" chuyển ra khỏi Hong Kong.
Khoảng một nửa tổng số đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc chảy qua Hong Kong. Một số thương vụ đầu tư lớn nhất thế giới trong thập kỷ qua được tài trợ thông qua thành phố và đóng vai trò là nguồn đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc.
Giá trị đồng đôla Hong Kong tăng mạnh sau khi tuyên bố được đưa ra. Chỉ số Hang Sang Futures tăng 0,6% vào sáng thứ ngày 30/5. Trong khi đó, các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại New York, bao gồm cả Alibaba, Baidu và JD, đều tăng trong phiên giao dịch ngày 29/5.
Bà Tara Joseph, chủ tịch Phòng Thương mại Hong Kong của Mỹ, cho biết rằng tuyên bố của Trump "không đồng nghĩa với việc các công ty Mỹ sẽ dừng hoạt động ở Hong Kong".
"Có rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về cách thức giải quyết tình trạng đặc biệt giữa Mỹ và Hong Kong. Doanh nghiệp càng nhận được nhiều thông tin rõ ràng, sẽ càng hữu ích hơn trong thời điểm thử thách này", bà Tara nhấn mạnh.