Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất trong khu vực vừa mới ký thỏa thuận với Gumin, Hải Âu và ông Trần Trọng Kiên để lập liên doanh tại Việt Nam. Trong đó, ông Kiên hiện là CEO Gumin, đồng thời là Chủ tịch kiêm CEO Thiên Minh Group (TMG) - công ty mẹ của Hải Âu.
Air Asia chuẩn bị bước chân vào thị trường hàng không giá rẻ Việt Nam. Ảnh: Bloomberg. |
Dự kiến, hãng hàng không mới này sẽ cất cánh vào đầu năm 2018, theo thông tin từ Air Asia. Gumin sẽ sở hữu 70% liên doanh, Air Asia nắm 30% còn lại.
Việt Nam là điểm đến mới nhất trong dự định của AirAsia, đơn vị đang tham vọng xây dựng một hãng hàng không liên châu Á. Thị trường hàng không Việt Nam hiện tăng trưởng 28% một năm, gấp ba lần tốc độ tăng trưởng của các nước trong khu vực.
Với vị trí là thị trường hàng không lớn thứ 5 trong khu vực, lưu lượng hành khách của thị trường Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ năm 2013 và tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ chiếm 1/4 dân số tính đến 2010.
Air Asia hiện đã vận hành nhiều năm tại Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản và theo đuổi mô hình giá rẻ, đường bay dài với thương hiệu con Air Asia X. Hãng này vừa đặt mua hàng trăm máy bay trị giá hàng tỷ USD từ Airbus để phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Hãng cũng đang trong quá trình bán lại một đơn vị con chuyên cho thuê máy bay để cân đối nguồn tiền.
Theo Brendan Sobie, nhà phân tích tại CAPA Centre for Aviation: "Air Asia đã chậm chân khi bước vào thị trường Việt Nam khá muộn và sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt. Thị trường Việt Nam đã gần như định hình với phân khúc giá rẻ có sự góp mặt của hai hãng là Vietjet Air và Jetstar Pacific. Tốc độ tăng trưởng của thị trường dự kiến cũng sẽ chậm lại trong những năm tới".
Theo kế hoạch, liên doanh hàng không mới này sẽ cần khoản đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, và Air Asia sẽ gánh 30% con số này.