Trò chuyện với Zing.vn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam có thêm tỷ phú được thế giới công nhận chứng tỏ nền kinh tế đã có những bước phát triển nhất định. Và các tỷ phú đôla sẽ tạo thêm nhiều sức bật mới cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp phản ánh thực trạng nền kinh tế
Bà cũng ghi nhận những thành tựu mà 2 tỷ phú đôla đã làm được với nền kinh tế và cho đất nước.
Với nữ tỷ phú tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Lan đánh giá cao và ấn tượng mạnh với những thành tựu mà Vietjet Air và cá nhân CEO của doanh nghiệp này làm được trong ngành hàng không.
"Cách mà VietJet Air tham gia vào lĩnh vực hàng không rất ấn tượng, không những đóng góp vào sự phát triển mà còn thay đổi cách mà ngành phát triển bấy lâu nay", bà nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. |
“Hàng không đòi hỏi vốn nhiều, rủi ro cao, hơn nữa lại bắt đầu ở Việt Nam, một đất nước từ lâu đây là ngành độc quyền của nhà nước. Hơn nữa, ngành này lại liên quan đến nhiều vấn đề như an ninh, quốc phòng. Cách thức mà VietJet Air làm và tạo sức cạnh tranh khiến bản thân Vietnam Airlines cũng phải thay đổi rất đáng hoan nghênh”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Không phủ nhận đóng góp của Vingroup trong lĩnh vực bất động sản, nhưng bà Lan cho biết bà phấn khởi khi tập đoàn này đã chuyển hướng sang nhiều lĩnh vực khác, bên cạnh bất động sản.
"Các lĩnh vực khác đều rất có ý nghĩa với nền kinh tế nói chung như du lịch nghỉ dưỡng, bán lẻ, y tế, giáo dục. Đặc biệt, tôi đánh giá cao việc họ bắt tay vào làm nông nghiệp”, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết.
Đây cũng là điểm được bà Nguyễn Lan Anh, thư ký tòa soạn của Forbes Việt Nam, lưu ý trong cuộc trao đổi với Zing.vn. Theo dõi sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân lớn, như Vingroup chẳng hạn, Forbes nhận thấy "họ đang từng bước đầu tư vào các lĩnh vực mới, cả những ngành có cơ hội phát triển và những ngành đem lại giá trị gia tăng".
Vì thế, bà Lan Anh cho rằng nhận định nguồn gốc của sự giàu có hay sự tăng trưởng đó bằng tài năng kinh doanh hay quan hệ là chưa có những bằng chứng thuyết phục và chủ quan.
"Các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp hiện này cho thấy trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung, một nền kinh tế còn đang thiếu những trụ cột vững chắc", bà Lan Anh nói.
Bà cũng lưu ý thực tế doanh nghiệp tư nhân Việt mới chỉ thực sự tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh trong vòng 3 thập kỷ qua.
"Rất khó để đòi hỏi họ nhanh chóng trở thành những doanh nghiệp mạnh trong những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, Việt Nam chưa phải là quốc gia có nguồn vốn lớn và kỹ năng tốt để theo đuổi mạnh mẽ con đường đầu tư hạ tầng cơ sở, công nghiệp quy mô lớn. Không thể đòi hỏi những doanh nghiệp này tập trung phát triển những ngành công nghiệp sản xuất khi hạ tầng vẫn chưa đảm bảo. Họ vừa phải đảm bảo sự tồn tại vừa phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại nên cần nền tảng vững chắc về tài chính.
Mong dẫn dắt và hoạt động minh bạch
Ghi nhận những cái khó của các doanh nghiệp tư nhân Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng kỳ vọng các đơn vị đóng vai trò mở đường, dẫn dắt tốt hơn.
Bà gợi ý Vingroup không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp, ở việc đặt hàng của các doanh nghiệp công nghiệp để đưa vào siêu thị mà còn đầu tư vào sản xuất hàng hóa cho đất nước.
“Họ cũng có thể đầu tư vào một số ngành hàng công nghiệp sản xuất tiêu dùng tiềm năng, đưa hàng hóa vào siêu thị, tạo ra được nhiều lợi ích hơn cho đất nước thay vì nhập hàng hóa đó từ một số đối tác”, bà Lan nói.
Họ hoàn toàn có thể đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông sản dựa trên lợi thế về trồng trọt những năm qua, qua đó tạo ra một chuỗi giá trị cao hơn cho nền kinh tế. Chuỗi giá trị này cung cấp hàng hóa cho thị trường trong nước và thế giới.
“Nền kinh tế của chúng ta hầu hết làm gia công cho nước ngoài. Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử đều làm gia công. Chúng ta đang ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị đó là làm sản xuất sản phẩm thô và sử dụng nhân lực giá rẻ. Chúng ta rất cần vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị", bà Lan trăn trở.
Cụ thể, nữ chuyên gia kinh tế mong các tỷ phú sẽ dẫn dắt nền kinh tế theo hướng thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, cơ khí liên quan, hình thành một nền kinh tế sáng tạo hơn.
"Nếu họ dẫn đầu, mở ra được những chuỗi giá trị mới thì sẽ thay đổi được rất nhiều vị thế của đất nước... Các tỷ phú nên chú ý đến những ngành “căn cơ” hơn cho nền kinh tế, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ. Cái đó sẽ sớm đưa đất nước phát triển được hơn”, bà Lan nói.
Một vấn đề khiến bà Lan trăn trở là tính minh bạch của thị trường và sự bất cân bằng trong cơ hội tiếp cận nguồn lực của các doanh nghiệp.
Lấy ví dụ về cơ chế tiếp cận đất đai, tài nguyên, nữ chuyên gia cũng cho rằng Nhà nước nên xem lại các chính sách và trách nhiệm của mình để tạo công bằng trong việc tiếp cận các nguồn lực cho người dân.
“Tôi không phục những người chỉ biết khai thác khoảng sản thô mà bán, để lại hậu quả về môi trường cho đất nước. Hoặc một số người lại giàu lên nhanh chóng do được tiếp cận với các nguồn lực có sẵn của đất nước, chẳng hạn quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Họ không có một quá trình cạnh tranh bình đẳng để tích lũy. Điều này cho thấy sự không minh bạch, không hợp lý của cơ chế phân bổ nguồn lực tạo ra sự bức xúc trong xã hội”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết thêm.
Để giải quyết trình trạng này, bà Lan dẫn ví dụ một số nước người giàu thường đi lên nhờ công nghiệp, đóng góp cho sự phát triển thần kỳ của các quốc gia.
“Nhà nước phải thấy được vai trò của các nhà công nghiệp. Vì vậy, chính Nhà nước phải mở ra việc công bằng tiếp cận các nguồn lực cho người dân, khuyến khích họ đi vào các lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghệ làm cho đất nước phát triển bền vững”, nữ chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Hơn nữa, việc tài sản của những người giàu ngày càng tăng lên khiến khoảng cách giữa nhóm giàu và nhóm nghèo càng ngày càng giãn ra. Đó là điều quan tâm và quan ngại của những người nghiên cứu như bà.
“Nước nào cũng mong muốn đặt mục tiêu công bằng, bình đẳng, nhất là nước ta với định hướng XHCN. Phát triển kinh tế chỉ bền vững và hiệu quả khi có công bằng và bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế mà đẩy việc công bằng kém hơn, môi tường kém hơn là không lâu dài, có thể gây bất ổn trong tương lai”, bà Lan nhấn mạnh.