Theo Reuters, BlackBerry vừa thông báo bán các bản quyền của hãng cho Catapult IP Innovations, một công ty mới thành lập để chuyển nhượng tài sản công ty. Các bản quyền này chủ yếu liên quan đến thiết bị di động, dịch vụ nhắn tin và mạng viễn thông.
Giá trị vụ chuyển nhượng là 450 triệu USD bằng tiền mặt, và 150 triệu USD dưới dạng hối phiếu nhận nợ.
Ở thời hoàng kim, bàn phím QWERTY là một trong những tính năng được yêu thích nhất trên các mẫu điện thoại BlackBerry. Ảnh: Enrique Dans. |
BlackBerry cũng cho biết việc chuyển nhượng bản quyền sẽ không ảnh hưởng tới các khách hàng đang sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hãng.
Công ty thông báo bán tài sản chỉ vài tuần sau khi ngừng các dịch vụ trên các dòng sản phẩm cũ. Từ ngày 4/1, BlackBerry ngừng hỗ trợ dòng điện thoại, máy tính bảng chạy phần mềm riêng của BlackBerry. Các phần mềm này bao gồm BlackBerry 7.1 cùng các phiên bản trước, BlackBerry 10 và hệ điều hành máy tính bảng BlackBerry PlayBook.
Điều này có nghĩa những thiết bị chạy phần mềm riêng của BlackBerry sẽ không còn được công ty hỗ trợ dịch vụ như gọi điện, nhắn tin, kết nối với công ty viễn thông dù sử dụng Wi-Fi hay mạng dữ liệu di động. Người dùng thậm chí không thể gọi cho những số điện thoại khẩn cấp.
Điện thoại, dịch vụ nhắn tin của BlackBerry từng thu hút rất nhiều người dùng, đặc biệt là người dùng doanh nghiệp trong những năm đầu thập niên 2000. Vào thời kỳ hoàng kim, những tính năng như bàn phím QWERTY và mức độ bảo mật cao đã mang lại cho hãng 50% thị phần tại Mỹ.
Tuy nhiên, kể từ đó, công ty đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng. Thương hiệu lâu đời này đã phải vắt kiệt sức lực và giá trị cuối cùng. Công ty mẹ BlackBerry Limited đã chuyển hướng sang kinh doanh phần mềm an ninh mạng, phần mềm cho xe hơi từ năm 2018.
Nhiều người yêu thích điện thoại BlackBerry đến mức đóng khung những chiếc máy cũ để làm kỷ niệm. Ảnh: Wall Street Journal. |
Năm 2013, BlackBerry đã cố gắng vực dậy khi ra mắt hệ điều hành mới - BlackBerry 10 - nhưng không thành công. Công ty này tiếp tục gặp thất bại khi chuyển sang sản xuất thiết bị chạy phần mềm Android vào năm 2015.
Năm 2016, BlackBerry bắt đầu ký thỏa thuận cấp phép lâu dài thương hiệu của mình cho các nhà sản xuất như TCL. Đây chính là cách giữ cho tên tuổi của BlackBerry vẫn còn tồn tại tới bây giờ.
Tuy tình hình kinh doanh không còn như thời hoàng kim, giá cổ phiếu BlackBerry lại tăng tới 41% trong năm qua. Nguyên nhân là công ty này thuộc nhóm "meme stock", là những doanh nghiệp từng nổi tiếng một thời, giờ đây được những nhà đầu tư trẻ ủng hộ khi liên tục mua vào cổ phiếu.