Bình Tinh sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Ông bà của cô là bầu đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long lừng lẫy một thời. Cha cô là nghệ sĩ Đức Lợi còn mẹ là nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai nổi tiếng với những vở cải lương lịch sử ca ngợi tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.
Bình Tinh nổi tiếng từ khi còn bé, mới 4 tuổi đã bước chân lên sân khấu và được xem là “thần đồng cải lương” của đoàn Đồng ấu Bạch Long. Cô nổi tiếng qua những vai diễn nhí, thường giả trai trong băng video cải lương:Long Lân Quy Phụng, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Quan Công đại chiến Bàng Đức, Na Tra…
Nhưng khi cô lớn lên, cải lương bắt đầu suy thoái nên không còn cơ hội tỏa sáng. Sau này ba mất, lại thêm anh trai qua đời, mẹ vào chùa lánh nạn nên một mình Bình Tinh gồng gánh đoàn cải lương Huỳnh Long để các bậc cha chú có miếng cơm ở tuổi xế chiều.
Sau khi đăng quang cuộc thi Sao nối ngôi, con gái nuôi Kim Tử Long bắt đầu được biết đến nhiều hơn. Suốt gần 30 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật cải lương, cầm trên tay cúp chiến thắng đầu tiên, nghệ sĩ Bạch Mai đã khóc thay cho con gái.
Trong cuộc trò chuyện với Zing.vn, Bình Tinh nhiều lần rơi nước mắt. Cô khóc khi gợi nhớ những ký ức đau buồn của gia đình, cô khóc vì bắt đầu được mọi người yêu mến và bầu show gọi điện nhiều hơn.
Bình Tinh bật khóc mời NSƯT Vũ Linh và NSƯT Kim Tử Long lên sân khấu để nói lời cảm ơn. Ảnh: Minh Hiếu |
Ba Long không dùng tiền mua giải cho tôi
- Tại sao lúc công bố kết quả, chị không đợi nghe tên mình trở thành quán quân mà đã lao xuống sân khấu?
- Quả thật tôi không nghĩ sẽ trở thành quán quân, bởi nhìn sang bên cạnh, Hồng Phượng có NSƯT Vũ Linh và NSƯT Hoài Linh yểm trợ. Lê Lộc ngoài ba mẹ còn có Trấn Thành hay Hoài Anh Kiệt được nghệ sĩ Cẩm Tiên giúp sức. Tôi chỉ kết hợp với các nghệ sĩ lão thành ở tuồng cổ Huỳnh Long và NSƯT Hữu Quốc.
Không chỉ riêng tôi, đứa nào cũng dốc sức, một sống một còn ở đêm thi cuối cùng. Áp lực kinh khủng lắm. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác khi MC Nguyên Vũ công bố điểm số của giám khảo khách mời Ngọc Sơn. Tôi và Hoài Anh Kiệt nắm chặt tay, lúc nghe MC công bố điểm số 2 đứa đều 10, tôi không còn biết gì nữa, lao xuống sân khấu ôm chặt ba Long. Hai cha con đều khóc, ba tôi ôm tôi và kêu lên: “Chị Bạch Mai ơi (mẹ Bình Tinh – PV), em làm được rồi. Em không phụ công chị”. Tôi nghe ba nói vậy càng khóc to hơn.
- Nhiều người cho rằng chiến thắng của Bình Tinh ở cuộc thi Sao nối ngôi không bất ngờ bởi chị đã được cha nuôi Kim Tử Long hậu thuẫn. Chị nói gì trước những tin đồn?
- Tôi may mắn có đến 2 người cha nuôi chứ không phải một. NSƯT Kim Tử Long nhận tôi làm con nuôi vào năm 1998 và NSƯT Vũ Linh nhận nuôi năm 2009. Nhưng vì sức khỏe của ba Linh không cho phép nên ông gửi gắm tôi cho ba Long giúp đỡ ở cuộc thi Sao nối ngôi. Tôi biết ơn vì ba Long đã bỏ hết công sức, tâm huyết của ông. Nhưng sau vài lần xuất hiện cùng nhau, ba bảo tôi phải tự đứng trên đôi chân của mình. Ông đã vạch sẵn con đường, thì phía trước dù hoa hồng hay máu là do tôi lựa chọn.
Trong đêm chung kết, nhiều thí sinh khác được bố mẹ hỗ trợ, dốc hết sức thì ba Long lại bảo tôi phải tự lực cánh sinh. Nếu thành công, đó là do công sức của tôi. Còn nếu thất bại, ba nói tôi cũng đã có bài học, cần phải phấn đấu hơn nữa.
Bình Tinh đã tổ chức 2 live show cải lương và được NSƯT Hoài Linh khen ngợi vì có thể nối nghiệp bố mẹ. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
- Sau khi trở thành quán quân của Sao nối ngôi, sự nghiệp của Bình Tinh thay đổi thế nào?
- Tôi biết con đường mình đi chông gai nhưng cải lương đã thấm vào máu thịt, dù sau này có ra sao, cải lương mãi mãi trường tồn trong tôi. Ngày bé, lúc theo bố mẹ lên sân khấu, tôi cũng biết nghề này gian truân lắm. Nhưng không hát cải lương không được. Hiện tại, tôi là hậu duệ duy nhất của tuồng cổ Huỳnh Long, nếu tôi bỏ đôi gánh khỏi vai mình, bao nhiêu người sẽ chơ vơ, không nơi nương tựa.
Gần 30 năm theo nghề, tôi chưa bao giờ được có cơ hội xuất hiện trên truyền hình. Có lẽ mình gánh vác nhiều thứ quá, người ta cũng quên mình. Nên giải thưởng này có giá trị rất lớn với tôi. Sau một thời gian dài sống với nghề, tôi cũng được cầm trên tay giải quán quân. Đây cũng là cơ hội để tôi xuất hiện trong các chương trình cải lương. Tôi kiếm được miếng cơm mới nuôi được cả gánh hát.
Sau khi tham gia Sao nối ngôi, dù cuộc thi chưa kết thúc, tôi đã được các bầu show mời đi hát và cát-xê cũng tăng hơn trước.
- Cải lương ở thời điểm này không còn được khán giả yêu chuộng. Bình Tinh và nhiều nghệ sĩ trẻ khác là thế hệ kế thừa nhưng lại không may mắn khi bộ môn nghệ thuật dần xuống dốc. Chị làm thế nào để tồn tại?
Tôi và những người bạn chưa bao giờ câu nệ hát ở đâu, sân khấu như thế nào. Cứ hễ ai mời nhất định cũng phải đến, dù hát đám cưới, đám tiệc hay bất cứ nơi đâu. Vì chúng tôi không có lấy một sân khấu sáng đèn hàng đêm như ca nhạc hay hài kịch. Thế nên, cứ được mời đi diễn là mừng. Bởi vì mình còn có cơ hội kiếm cơm, vừa được thỏa mãn ước mơ được hát. Một ngày mà không hát tôi chịu không nổi, không được mời cũng tự hát cho mình nghe.
- Không sở hữu ngoại hình, nhan sắc của một cô đào cải lương. Chị gặp khó khăn ra sao trong những ngày đầu mới vào nghề?
- Ban đầu tôi mặc cảm lắm nhưng nghĩ lại nếu mình xấu hổ với cơ thể bố mẹ ban cho, khác nào mình bất hiếu với đấng sinh thành. Mà tôi cũng may mắn được trời thương, dù sắc vóc nhỏ con nhưng khi bước lên sân khấu, thần thái trong tôi bộc lộ khiến người ta quên đi hạn chế của mình.
Anh trai chết, mẹ vào chùa lánh nạn
- NSƯT Kim Tử Long và NSƯT Vũ Linh nhận chị làm con gái nuôi ở thời điểm nào?
- Trong nghề này, người này thường gửi con cái cho người kia trông coi. Lúc tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi bận dạy cho các anh chị lớn tuổi nên mẹ tôi có gửi tôi cho ba Kim Tử Long chăm nuôi. Sau này mẹ tôi đánh tiếng nhờ ba chăm sóc và ông nhận tôi làm con nuôi.
Đầu năm 2009, chú Thanh Hiệp tổ chức vở tuồng Mạnh Lệ Quân kỳ nữ ở rạp Trần Hưng Đạo, tôi được giao đóng vai Hoàng hậu, vợ của ba Vũ Linh. Nhưng may mắn cả 2 không diễn chung nên tôi đỡ sợ. Sau khi diễn xong, ba nắm tay tôi chào khán giả mà tôi run lập cập, không dám nhìn mặt ông. Cơ duyên đó giúp tôi trở thành con nuôi của ba.
- Có 2 người cha nuôi nổi tiếng, họ ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp của chị?
- Người thương thì bảo tôi may mắn, phải biết phấn đấu để không phụ lòng tình thương của 2 ba. Người ghét thì bảo tôi biết lựa ba quá. Từ ngày làm con của 2 ba, một đứa chuyên giả trai như tôi đã được ba Linh “bẻ tay bẻ chân” để làm đào trên sân khấu. Họ còn bảo tôi được 2 ba cõng trên vai.
Nhưng cả ba Linh và ba Long cũng chưa bao giờ có suy nghĩ trải thảm cho tôi đi. Tôi cũng biết nên không ỷ lại. Tôi học những tinh hoa từ cả 2 người ba nổi tiếng để cho mình con đường đi riêng biệt.
- Kim Tử Long giúp đỡ con gái nuôi tạo dựng tên tuổi trong nghề nhưng lại để con gái ruột Mai Ka tự lập. Điều này có khiến ảnh hưởng đến tình cảm của Bình Tinh và Mai Ka?
- Mai Ka đang làm việc tại sân khấu kịch Hồng Vân với sự giúp đỡ của NSND Hồng Vân, thầy Minh Nhí. Vì em ấy không theo con đường của ba Long nên được các cô chú khác giúp đỡ. Trong nghề này duyên kỳ lạ vậy đó. Tôi và Mai Ka thân với nhau như chị em ruột. Lúc tôi thi Sao nối ngôi, em sẵn sàng gác bỏ công việc để hỗ trợ chị hết mình.
Em có nói với tôi, đang muốn tham gia cuộc thi Cười xuyên Việt. Ba Long bảo thôi ba già rồi, mới dồn hết sức cho chị con, ba không còn kham nổi. Nhưng tôi nói em phải thi, có gì chị sẽ hỗ trợ em bằng tất cả sức của mình. Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa bao giờ vắng mặt trong tiệc vui của nhà ba Long. Không chỉ Mai Ka, ba đứa em còn lại đều xem tôi như chị Hai.
Sau nhiều sóng gió trong đời, Bình Tinh cũng đã yên bề gia thất. Nhưng ông xã của cô lại không muốn xuất hiện vì sợ làm vợ mất fan. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
- Sau cái chết của chồng và con trai, mẹ chị - nghệ sĩ kiêm soạn giả Bạch Mai đã không chịu nổi cú sốc này và nương nhờ cửa Phật. Chị giúp mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn như thế nào?
- Gia đình tôi lúc đó tan nhà nát cửa. Ba mất cũng đã 10 năm, mẹ chỉ vừa nguôi nỗi nhớ ba thì lại bị thêm một cú sốc kinh khủng. Mới Tết năm vừa rồi thôi, cả gia đình còn được đứng chung trên sân khấu với nhau, đùng một cái anh Chinh Nhân ngất xỉu, đưa vào bệnh viện thì người ta nói bệnh phổi. Tôi cứ ngỡ anh sẽ được điều trị và sớm trở về nhưng bệnh viện thông báo bệnh của anh ở thời kỳ cuối, nghĩa là lâu nay anh giấu gia đình.
Từ lúc phát bệnh, chỉ 12 ngày anh đã đi. Anh tôi là con trai duy nhất trong nhà, bao nhiêu tình thương và kỳ vọng, mẹ đều đặt hết vào anh. Nên bà không chịu nổi mất mát to lớn này. Đám tang của anh, mẹ không có mặt vì ai cũng sợ bà sẽ đi theo. Tôi gạt nước mắt vì không thể khóc thêm được nữa, lo cho anh và cho mẹ. Sau khi anh qua đời, mẹ tôi vào chùa sống để cầu mong ba và anh siêu thoát.
Nhà tôi còn có 2 chị nhưng một chị bị bệnh, một chị đã lập gia đình. Lúc này anh trai tôi để lại cậu con trai, tôi thay anh chăm sóc thằng bé. Tôi cũng bắt đầu thay anh gánh vác đoàn cải lương truyền thống của gia đình. Nhưng cũng may, các cô chú bác trong nghề đã giúp đỡ tôi vượt qua giông bão cuộc đời.
- Chị chia sẻ niềm vui chiến thắng với mẹ thế nào?
- Mẹ tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi, giờ bà chỉ ở trong chùa, không màng đến thế sự nữa rồi. Tuần nào tôi cũng vào thăm mẹ và chuẩn bị sẵn đồ chay mang vào. Hôm được giải quán quân, tôi chạy vào chùa với mẹ ngay. Hai mẹ con khóc nức nở, mẹ cứ kêu lên: “Trời ơi, gần 30 năm rồi con gái tôi mới có chút thành quả với nghề”. Tôi biết mẹ khóc nhưng bà hạnh phúc vì những nỗ lực của tôi bao năm qua cuối cùng cũng được mọi người nhìn nhận.