Sáng 3/1, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công điện gửi các sở, ngành, UBND thành phố, thị xã, huyện, triển khai các công tác phòng chống bão số 1.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng 3/1, áp thấp nhiệt đới khi đi vào khu vực phía đông quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão Bolaven (bão số 1 năm 2018), có khả năng ảnh hưởng đến Bình Thuận.
Cấm đánh bắt hải sản
Để chủ động ứng phó cơn bão số 1, Bình Thuận cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải hàng hải hoạt động và đánh bắt hải sản. Bộ chỉ huy Biên phòng và các sở ngành tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn phương tiện, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Tàu thuyền neo đậu tại cảng Phan Thiết. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Theo thống kê của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh, tính đến 7h ngày 3/1, có hơn 5.600 tàu thuyền neo đậu tại các bến cảng. Hiện có hơn 1.500 tàu thuyền cùng với gần 8.000 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 147 chiếc với hơn 1.000 lao động đang hoạt động xa bờ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Phú Quý - Côn Sơn, Phú Quốc.
Các địa phương rà soát lại khu vực nguy hiểm ven biển, cửa sông, huy động lực lượng giúp dân xử lý các điểm sạt lở như khu dân cư Tiến Thành, Đức Long (TP Phan Thiết), Phước Thể, Liên Hương… các khu vực có lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển.
Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các địa phương thành lập đoàn đi kiểm tra an toàn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, theo dõi, chỉ đạo vận hành hồ theo đúng quy trình.
Cơn bão đầu tiên năm 2018
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, hồi 10h sáng 3/1, vị trí tâm bão số 1 cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 170 km về phía nam đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km.
Hình ảnh vệ tinh của bão số 1. Ảnh: NCHMF. |
Đến 10h sáng 4/1, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 190 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 130 km tính từ vùng tâm bão.
Vùng biển khu vực giữa Biển Đông, bao gồm khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa, có mưa bão; gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Bão số 1 sẽ suy yếu trước khi vào bờ
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 22h ngày 4/1, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên - Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/h), giật cấp 9.
Trong 36-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần.
Dự báo bão số 1 sẽ suy yếu trước khi vào bờ. Nguồn: NCHMF. |
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo hạn ngắn, thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn trung ương, cho biết: "Mô hình dự báo của các cơ quan khí tượng trên thế giới đều có chung nhận định bão khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay trên Biển Đông, trước khi cập bờ".
Không liên lạc được với 38 tàu ở Cà Mau
Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Biên phòng, 47 tàu cùng 389 người đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa. Các vùng biển khác và neo đậu tại các bến có 47.143 tàu và 245.630 người.
Đại diện Tổng cục Thuỷ sản cho biết vẫn còn 2 tàu đang nằm trên đường di chuyển của bão, đã thông báo cho các tàu hướng di chuyển của bão, di chuyển khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Đoàn Thanh Chung, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai miền Nam cho hay riêng Cà Mau có 38 tàu với 266 lao động không liên lạc được. "Tỉnh Cà Mau có báo cáo những tàu này không bật hệ thống liên lạc trên tàu. Đây là chuyện thường xuyên xảy ra ở Cà Mau, lần nào cũng vậy", ông Chung nói.