Ngày 22/12, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Lê Tuấn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xử lý dầu vón cục thường xuyên trôi dạt vào bờ biển.
Các nhóm thiện nguyện cùng người dân thu dọn rác từ biển trôi dạt vào bờ tại Mũi Né vào mùa gió khoảng tháng 5 đến tháng 6. Ảnh: Đình Hòa. |
Theo đó, từ năm 2006, hàng năm vào thời điểm chuyển mùa (khoảng tháng 3 đến tháng 5 và tháng 8 đến tháng 10) thường xuất hiện dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển Bình Thuận. Các vệt dầu loang trên mặt nước biển, dầu vón cục trên cát mềm hoặc rắn nhiều kích cỡ, thường tan ra và thấm vào cát khi nắng lên.
Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, cùng với rác thải trôi dạt tấp vào bờ, hiện tượng dầu vón cục gây thiệt hại đối với ngành kinh tế biển như du lịch, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, hiện tượng này ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Dầu vón cục trôi dạt vào bờ gây ảnh hưởng đến du lịch của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Để ngăn chặn, xử lý, chấm dứt tình trạng trên, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xác định nguyên nhân sự cố gây ra tràn dầu trên vùng biển của tỉnh, từ đó có phương án ngăn chặn. Tổ chức quan trắc, giám sát, thu thập thông tin dữ liệu nhằm phát hiện sự cố tràn dầu để sớm tổ chức phương án ứng phó.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bố trí kinh phí cho tỉnh trong điều kiện địa phương chưa có đơn vị xử lý chất thải nguy hại. Hỗ trợ kinh phí thực hiện cập nhật kế hoạch và bản đồ nhạy cảm môi trường, phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu tại Bình Thuận.