Tại phiên thảo luận ngày 27/5 về giám sát đất đai đô thị, nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc với tình trạng phá vỡ quy hoạch, lợi ích nhóm, quản lý lỏng lẻo... diễn ra phổ biến.
|
Đại biểu Đinh Duy Vượt cho rằng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất là làm nát quy hoạch, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí, thất thu ngân sách, gây ra nhiều hệ lụy bức xúc khác. Ông nhấn mạnh chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch. |
|
Đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng việc định giá đất trong quá trình chuyển nhượng mua bán đất đai không rõ ràng, thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện là kẽ hở gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Trong cùng một địa phương, cùng một thời điểm khi áp dụng các phương pháp khác nhau đã tạo ra sự chênh lệch lớn về giá trị khu đất, điều này đồng nghĩa việc nhà đầu tư sẽ chọn phương pháp tính có lợi cho mình và một nhóm người có cùng lợi ích. “Báo cáo kiểm toán, thanh tra đã chỉ ra, báo chí dành nhiều thời lượng để phản ánh thông tin nhưng không ít người trong cuộc vẫn vô can, ngân sách Nhà nước vẫn thất thu hàng năm”, ông nói. |
|
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền dẫn ý kiến cử tri cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch đất đai là để phục vụ lợi ích nhóm của chủ đầu tư và những người có liên quan, mà không quan tâm đến lợi ích của người dân. “Điều đáng lo ngại là dân cứ phản ảnh, báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng vẫn vào kiểm tra, nhưng việc điều chỉnh quy hoạch thì vẫn cứ diễn ra”. |
|
Đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh phần chìm của “tảng băng” vốn là những vụ việc có tính chất phức tạp hơn. Không ít trong số đó từng hiện diện trên mặt báo, nhưng chưa được nhắc trong báo cáo lần này còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân. |
|
ĐB Trần Thị Quốc Khánh chỉ ra thực tiễn vấn đề Vũ Nhôm và Út Trọc thâu tóm đất công, chuyển nhượng trái phép, một số lãnh đạo công an và quân đội cũng đã và đang xem xét kỷ luật, kể cả những cán bộ cấp cao và tướng lĩnh, gây bức xúc trong dư luận. “Không hiểu vì lý do gì, đoàn giám sát của Quốc hội lại không nhắc tới các vụ việc. Tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần tỏ thái độ và xử lý nghiêm minh những người có liên quan, bất kể người đó là ai”, bà Khánh đề nghị. |
|
Đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị Chính phủ rà soát lại các dự án treo, quy hoạch không thực hiện để xử lý dứt điểm để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ông cho rằng đây cũng là vấn đề rất bức xúc liên quan đến quy hoạch đất từ Trung ương đến địa phương. Ông dẫn ví dụ có dự án như khu Bình Quới - Thanh Đa, TP.HCM, liên quan đến gần 4.000 hộ dân gần 15.000 nhân khẩu có chủ trương quy hoạch từ năm 1992 đến nay đã 27 năm chưa thực hiện. |
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo thu hồi trụ sở gắn liền với đất của các bộ ngành đã di dời ra ngoại ô. Bởi thực trạng nhiều bộ ngành vẫn còn quản lý, sử dụng trụ sở để ở hoặc cho thuê mục đích thương mại, phục vụ lợi ích riêng của cơ quan. |
|
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng lý luận, phương pháp luận về lĩnh vực quy hoạch đô thị đã lỗi thời, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển là nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng như báo cáo. “Hệ thống, phương pháp xây dựng từ rất lâu, thậm chí là từ thời bao cấp, sau nhiều thời gian đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Tôi cho đây mới là mấu chốt. Từ lý luận mới có hướng xử lý”, ông nói. |
|
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết mỗi năm Hà Nội và TP.HCM tăng thêm khoảng 200.000 người, gây sức ép lớn tới hạ tầng đô thị. Trong khi đó đầu tư cho hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển. Ông cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung công tác quy hoạch, đảm bảo tính khoa học. Chính phủ cũng sẽ công khai thông tin quy hoạch để người dân biết và giám sát. |
quốc hội thảo luận giám sát đất đai
Phan Văn Anh Vũ
quốc hội giám sát đất đai
quốc hội thảo luận đất đai
phá vỡ quy hoạch đô thị
quốc hội
đô thị