Bài học “lấy yếu, chế mạnh”
Việc coi nghệ thuật chiến tranh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cuốn cẩm nang đáng để giới doanh nhân học hỏi là một đúc rút rất có ý nghĩa và sát với tình hình thực tế hiện nay. Tinh thần, tư tưởng chủ đạo của nghệ thuât chiến tranh nhân dân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp xây dựng và phát triển lên tầm nghệ thuật chính là trường kỳ mai phục, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại, đánh chắc, thắng chắc... Nó được minh chứng bằng thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ông Cao Sĩ Kiêm - Ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Cần có những phân tích, đánh giá để tổng kết và chuyển hóa tư tưởng, tinh thần của Đại tướng thành lý luận thực tiễn có thể áp dụng trong hoạt động kinh tế. |
Tôi cho rằng, để phát huy một cách hữu ích và hiệu quả nghệ thuật chiến tranh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong thời gian tới, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế và các DN cần phải có những phân tích đánh giá để tổng kết và chuyển hóa tư tưởng, tinh thần của Đại tướng thành lý luận thực tiễn có thể áp dụng trong hoạt động kinh tế. Trên cơ sở đó các DN có thể vận dụng một cách có hệ thống, phát huy hơn nữa sức mạnh của các DN Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
4 điều doanh nhân nên học từ Đại tướng
Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương: Hình ảnh các bạn trẻ trong dòng người đổ về nhà Đại tướng tưởng niệm là hình ảnh ấn tượng với một niềm tin vào tương lai của dân tộc Việt Nam. |
Nhìn về dòng người đổ về nhà Đại tướng tưởng niệm, tôi chợt thấy một niềm tin vào sức mạnh trường tồn của dân tộc. Dù xã hội ngày nay còn đầy rẫy những thói hư, tật xấu nhưng nhìn vào dòng người đó tôi tin rằng xã hội chúng ta vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp. Đặc biệt, trong dòng người đó, không chỉ có những cựu binh từ nhiều tỉnh thành, mà lớp trẻ rất nhiều. Ngày nay, khi nhìn vào lớp trẻ người ta hay nghĩ tới một cái gì đó ngắn hạn, không có chiều sâu… nhưng với tôi, đó lại là hình ảnh ấn tượng nhất với một niềm tin vào tương lai của dân tộc Việt Nam.
Vận dụng cách tư duy chiến lược
Ông Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương-Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đã đến lúc các tập đoàn, các công ty, DN lớn cần có tư duy chuyển hướng về chiến lược phát triển, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”. |
Nếu các DN xem “thương trường là chiến trường” thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nên vận dụng cách tư duy chiến lược của tướng Giáp vào kinh doanh. Ví dụ, các DN trong nước có thể tìm tòi các thị trường ngách để tránh cạnh tranh và tích lũy vốn nhanh và khi có cơ hội thị trường vươn ra chiếm lĩnh thị phần. Đây chính là cách “đánh chắc, tiến chắc” và cho đến thời điểm này dù nền kinh tế suy thoái nhưng khu vực DN này vẫn đứng vững và tạo ra của cải cho xã hội. Thực tế hiện nay cho thấy, các tập đoàn lớn các DN nhà nước đua nhau đầu tư ngoài ngành, phát triển nóng, đầu tư ồ ạt chính là cách họ muốn “đánh nhanh, thắng nhanh” trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào. Đây là một hệ lụy và trong bối cảnh này các tập đoàn DN lớn đã đổ bể vì không vận dụng binh pháp của tướng Giáp trong kinh doanh
Đã đến lúc các tập đoàn, các công ty và doanh nghiệp nhà nước lớn cần có tư duy chuyển hướng về chiến lược phát triển, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” với những “cú đấm thép” của các tập đoàn kinh tế, sang “đánh chắc, tiến chắc” trên cơ sở lấy phát triển bền vững làm hàng đầu. Nếu làm được điều này, tôi tin rằng nền kinh tế đất nước phát triển vượt bậc.
Triết lý kinh doanh thời bình
Ông Lâm Chí Quang - Tổng giám đốc tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam –VEAM: Phương châm “đánh chắc, thắng chắc” hết sức sống động cho triết lý kinh doanh thời kinh tế thị trường đối với các DN, doanh nhân. |
Có thể nói, chiến lược sáng suốt của Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã mang lại chiến thắng vĩ đại, quyết định toàn bộ cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phương châm đánh chắc, thắng chắc mang đậm dấu ấn không những trong chiến dịch Điện Biên Phủ mà còn hết sức sống động cho triết lý kinh doanh thời kinh tế thị trường cho các doanh nhân. Mỗi một dự án đầu tư, mỗi một thương vụ kinh doanh như một trận đánh. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, không nghiên cứu kỹ đối thủ, hay nói cách khác không biết mình, biết ta thì khả năng thành công hết sức mong manh. Cũng như trong chiến tranh, có trận thắng, có trận thua, mỗi doanh nhân cần dũng cảm đứng lên sau thất bại, rút ngay bài học kinh nghiệm để trận sau đi đến thắng lợi, không bị tổn thất về tài lực.
Có lẽ khi Đại Tướng qua đời, cả dân tộc mới có dịp suy ngẫm và chiêm nghiệm về một nhân cách vĩ đại hiếm có, một học trò vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự bao dung, rộng lượng đối với cán bộ chiến sỹ, tấm lòng trung kiên đối với đất nước, dân tộc, bình tĩnh và đầy lý trí trước những biến động của đất nước là những giá trị tinh thần to lớn cho toàn Đảng, toàn quân, doanh nhân. Qua tấm gương của Đại tướng, tôi mong mỏi mỗi chúng ta cần bao dung, độ lượng và đoàn kết hơn để đưa dân tộc vững bước đi lên như tâm nguyện đau đáu của Bác Văn trong suốt cả cuộc đời.