Những ngày qua, người dân rất hoang mang, bất ổn về việc SJC không mua vàng SJC trên bao bì có seri một chữ, thậm chí nếu muốn bán, người dân buộc phải trả phí cao. Trong khi đó, cơ quan chức năng không có một thông tin hay phát ngôn chính thức nào về vấn đề này.
Việc mua hay không mua vàng loại gì đã trở thành một thứ quyền lực ghê gớm trong tay SJC, đặc biệt thứ quyền lực này càng “hái ra tiền” khi người dân và các doanh nghiệp không nhận được thông tin gì từ cơ quan quản lý nhà nước về vàng miếng, là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nhiều người vì cần tiền và thiếu thông tin đã bị những đại lý vàng của SJC ép giá chênh lệch tới cả nửa triệu đồng một lượng.
Chính phủ hay DN độc quyền quản lý vàng?
Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Chính phủ cũng giao cho NHNN thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định.
Chỉ vì “một âm tiết”, nhiều người vì cần tiền và thiếu thông tin đã bị những đại lý vàng của SJC ép giá chênh lệch tới cả nửa triệu đồng/lượng. |
Đối với chính sách cấm nhập khẩu vàng và lựa chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia, nhiều chuyên gia kinh tế phân tích: Khi lựa chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, lúc đó quan điểm của NHNN, vàng là tiền. Điều này đồng nghĩa với việc, Chính phủ chọn một thương hiệu để thống nhất một loại tiền. Còn SJC được quyền sản xuất vàng miếng, nhưng trên thực tế chỉ được hiểu là đơn vị đúc tiền gia công cho NHNN theo từng đợt.
Lý giải về tính chất độc quyền trên, NHNN cho rằng đây là biện pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng, lượng cung vàng miếng trên thị trường. Qua đó ngăn chặn tình trạng sản xuất vàng miếng từ vàng nguyên liệu nhập lậu cũng như tạo điều kiện để kiểm soát vàng nhập lậu, góp phần ổn định tỉ giá, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.
Câu chuyện vàng miếng một chữ bị chính DN sản xuất “hắt hủi”, với nguyên nhân chính nằm ở chỗ độc quyền trong sản xuất và bán vàng miếng.
Tuy vậy, một số chuyên gia cũng cho rằng, NHNN thống nhất quản lý kinh doanh vàng chứ không đi kinh doanh vàng. Vai trò của SJC là gì thì cần phải làm rõ. Nếu SJC chỉ đơn thuần là DN đúc vàng gia công cho NHNN thì họ chỉ có thể thu đổi và tính phí đúc vàng, để thống nhất về một thương hiệu cho người dân. Còn nếu “mập mờ” thông tin để đẩy giá chênh lệch các loại vàng lên nửa triệu đồng/lượng là điều khó có thể chấp nhận. Kể cả thu lời về cho họ hay cho NHNN đều không đúng. Bởi vì, NHNN thì chỉ quản lý chứ không kinh doanh. Và mức phí sản xuất vàng thì cần ấn định giá dựa trên chi phí sản xuất.
Thực tế, nhiều ngày qua, các thông tin mà người dân nhận được xung quanh việc họ bị từ chối mua vàng có seri một chữ số, móp méo, cong vênh đều không chính thống. Người trả lời trên báo chí chỉ là ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM. Theo ông Minh, SJC đã sử dụng hết hạn mức gia công vàng một chữ, vàng móp méo được cấp bổ sung cho năm 2015 là 4.000 lượng và đang xin hạn mức gia công 60.000 lượng cho năm 2016.
Tại buổi họp báo công khai về tiền tệ dịp Tết Nguyên đán mới đây, khi một phóng viên đặt câu hỏi với Phó Thống đốc Đào Minh Tú về vấn đề này, thì vị Phó thống đốc đã trả lời “Hôm nay họp về vấn đề tiền lẻ mới dịp Tết. Tôi chỉ trả lời cái này, không trả lời vấn đề khác". Rõ ràng sự thiếu thông tin về “quota” sản xuất vàng đã khiến cơ hội kiếm lời cho DN độc quyền càng trở nên sáng lạn.
Làm sao để bảo vệ người tiêu dùng?
Đây là câu hỏi có thể bị bỏ ngỏ câu trả lời bởi thị trường thì khắc nghiệt, còn chính sách thì không khuyến khích người dân cầm giữ vàng miếng.
Trên thực tế, chính đại diện SJC cũng khẳng định, việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo quy định chặt chẽ, thống nhất của pháp luật. Vậy, việc SJC cũng phân biệt đối xử với vàng miếng 1 chữ số và 2 chữ số có hợp lý không, và quyền lợi của người tiêu dùng với sản phẩm của SJC sẽ được bảo vệ ra sao?
Cần phải nói rằng, nếu SJC đã cam kết chất lượng và giá cả như nhau thì phải bảo vệ lợi ích cho những khách hàng sử dụng sản phẩm của mình. Còn hành động cũng theo các ngân hàng, mua lại với giá thấp hơn so với vàng miếng 2 chữ cái là vi phạm vào quyền của người tiêu dùng.
Theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, khoản 6, Điều 8, người tiêu dùng có quyền “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”. Tuy nhiên, câu chuyện này có ẩn tình, mà theo một chuyên gia ngân hàng, vấn đề nằm ở chỗ độc quyền trong sản xuất và bán vàng miếng.
Tình trạng này cũng đã được nhiều chuyên gia cảnh báo khi NHNN siết lại thị trường vàng miếng, theo hướng vừa là người làm chính sách, vừa là người làm kinh doanh.
“Cứ nhìn mà xem, thị trường vàng miếng và thị trường vàng trang sức khác nhau thế nào. Hiện giá vàng trang sức theo sát giá thế giới vì được nhập khẩu. Trong khi giá vàng miếng thì cao ngất so với giá vàng thế giới một cách phi lý. Với mức chênh lệch này thì ai là người được hưởng lợi?”, vị chuyên gia này đặt dấu hỏi.
Theo ông, bài toán mà thị trường vận hành tốt vẫn giải được, chỉ có số ít mất quyền lợi khi thị trường vận hành thôi. NHNN chỉ nên điều tiết thị trường thông qua chính sách gián tiếp và không được buôn bán trực tiếp.
Đằng sau câu chuyện vàng 1 chữ số
Theo chuyên gia tài chính TS Ngô Trí Long, vàng là loại ngoại tệ đặc biệt có vai trò quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, là nguồn dự trữ ngoại tệ. Theo thông lệ, nguyên tắc tính giá trị của vàng dựa vào tuổi vàng. Chúng ta thực hiện chống vàng hóa nền kinh tế nhưng phải tôn trọng giá trị của vàng. Những trầy xước, móp méo, cong vênh của vàng chỉ là hình thức bên ngoài, có thể gia công, làm mới. Còn giá trị cốt lõi của vàng là tuổi vàng và chất lượng bên trong của sản phẩm. Do vậy, nếu các DN lấy cái lỗi hình thức để từ chối giao dịch mua bán là sai quy định. Đây là cách làm cực đoan và gây thiệt hại cho người dân.
Thị trường vàng thời gian qua đã chứng kiến 2 “cú sốc” của người dân liên quan đến vàng. Lần thứ nhất, người ta đổ xô đi bán vàng thương hiệu khác để mua vàng miếng SJC độc quyền. Và lần này, chính thứ vàng mà người ta đổ xô đi mua đó lại bị ép giá một lần nữa. Nhiều người hoang mang, không biết sau này, vàng hai chữ hiện nay sẽ lại tiếp tục bị ép giá để thành mấy chữ nữa? Đặc biệt, phần lợi nhuận từ sự độc quyền này lại rơi vào chỉ một DN.
Việc đánh phí bán vàng một chữ đã diễn ra gần 1 năm nay. Nhưng đến nay NHNN vẫn chưa hề can thiệp, hay lên tiếng chính thức giải thích về việc này. Do đó, các đại lý, công ty vàng thu mua tha hồ tự do tự định đoạt “phí mua lại” để dìm giá vàng mua của người dân. Đến nay, với việc SJC từ chối không mua lại vàng một chữ, móp méo, cong vênh, người dân càng bị ép giá ở mức cao hơn. Với mức phí thu đổi từ đầu năm 2015 khoảng 200.000 đồng/lượng đến nay nó đã được đẩy lên khoảng 500.000 đồng/lượng.
Thông tin từ chối mua vàng SJC có seri một chữ số, móp méo, cong vênh đã được đưa ra từ gần một tháng nay. Nhiều người dân phần vì lo sợ không biết bao giờ mới đựơc đổi, phần vì cần tiền đã phải cắn răng bán vàng một chữ với giá chênh “cắt cổ”, đỉnh điểm có người mất tới 550.000 đồng/lượng.
Phải đến chiều ngày 12/1/2016, SJC mới gửi thông báo đến các đơn vị kinh doanh, thu hồi quyết định tạm ngưng thu mua vàng miếng loại một chữ. Từ 13/1/2016 sẽ tiếp tục thu mua vàng miếng SJC một chữ. Tuy nhiên, “cú sốc” trước đó đã khiến người dân hoang mang và mất tiền.
Sự phi lý phân biệt mua bán vàng miếng SJC độc quyền khiến người dân bức xúc rất cần NNHH ra tay để đảm bảo quyền lợi cho người dân!
Nên xóa thế độc quyền của SJC
TS Nguyễn Trí Hiếu. |
Đáng nhẽ những câu chuyện như ngừng thu mua vàng miếng 1 chữ do SJC đã sử dụng hết hạn mức gia công vàng một chữ, vàng móp méo được cấp bổ sung cho năm 2015 và phải chờ cấp tiếp, NHNN phải có dự trù, tính toán trước trước để tránh những tiêu cực, ảnh hưởng đến người dân. Theo đó, trước thời điểm SJC sắp sử dụng hết hạn mức gia công vàng một chữ, vàng móp méo dẫn đến thông báo ngừng mua, NHNN phải xem xét cấp hạn mức mới hoặc có kế hoạch chuyển đổi. Cụ thể, vàng miếng 1 chữ và 2 chữ số có chất lượng như nhau, nên hoàn toàn có thể chuyển đổi với mức phí thấp nhất để DN chế tác lại. Rất khó để quy trách nhiệm cho ai, nhưng rõ ràng người dân phải chịu thiệt hại, thiệt hại đó không do người dân mà do cơ quan quản lý và cơ chế độc quyền.
Hiện nay chúng ta đã có một hệ thống ngân hàng khá rộng rãi, các ngân hàng có sự an toàn cao nên việc giữ vàng dự trữ nên hạn chế. Nếu giữ vàng, nên hiểu quy định của NHNN cũng như các đối tác để tránh thiệt hại.