Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Binh lính Pháp nói gì về chiến tranh Đông Dương?

Tiếng nói của những người lính từng tham chiến trong quân đội viễn chinh Pháp giúp chúng ta có thể nhìn nhận cuộc chiến này ở một góc độ khác.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Chiến tranh Đông Dương chấm dứt và lùi vào quá khứ. Từ đó đến nay, đã có nhiều ý kiến luận bàn về cuộc chiến này. 

Qua cuốn sách Chiến tranh Đông Dương qua tiếng nói của binh lính Pháp (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, NXB Quân đội Nhân dân), chúng ta sẽ thấy, bước vào cuộc chiến này, binh lính Pháp liên tục đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Dong Duong,  Vo Nguyen Giap,  Dien Bien Phu anh 1
Sách Chiến tranh Đông Dương qua tiếng nói của binh lính Pháp từng được đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản thảo và viết lời giới thiệu.

Trong chiến đấu, họ từng hết sức ngạc nhiên vì sao quân đội Việt Nam với những con người nhỏ bé, vũ khí thô sơ lại có thể dũng cảm, kiên cường và quyết chiến, quyết thắng đến vậy.

Khi bại trận, làm tù binh trong một trại giam không song sắt, không quản ngục, sống bình yên giữa những người dân hiền hậu, họ lại càng ngỡ ngàng trước thái độ, cách đối xử của quân đội và nhân dân Việt Nam; chính sách nhân đạo, khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam.

Một tù binh Âu - Phi Trại 15 đã viết thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn thể hiện sự thức tỉnh về cuộc chiến này: "Đầu óc chúng tôi lúc ấy đang bị nhồi nhét đủ thứ tuyên truyền dối trá của những kẻ đi xâm lược (tức thực dân Pháp). Họ đã nói với chúng tôi: Việt Minh rất man rợ; nếu bắt được các anh thì họ sẽ chặt đầu".

"Với những lời dối trá bất tận ấy, chúng tôi đã rất sợ không dám chạy sang hàng ngũ của Ngài và chúng tôi đã ở lại với vũ khí trong tay cho đến khi nhiều đồng đội chúng tôi ngã xuống chiến trường... Các chiến sĩ và sĩ quan Việt Nam đã sớm làm cho chúng tôi hiểu rằng họ không chiến đấu chống lại những thanh niên của các dân tộc bị áp bức, càng không chống lại nhân dân Pháp, mà chống lại bọn thực dân Pháp - những kẻ chỉ sống dựa trên của cải của người khác".  

Tâm trạng từ ngỡ ngàng đến biết ơn cũng diễn ra tương tự ở nhiều tù binh khác, dưới đây là một phần nội dung lá thư của các tù binh Bệnh viện 128 bày tỏ lòng biết ơn xen lẫn xúc động nghẹn ngào:

"Từ khi bị bắt, chúng tôi đã luôn được đối xử tốt bởi các cán bộ và chiến sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng như của nhân dân Việt Nam. Nhờ vào lòng khoan hồng của Ngài, chúng tôi luôn được đón tiếp nồng nhiệt ở khắp những nơi chúng tôi đi qua".

"Chúng tôi đã vô cùng cảm động về việc tối qua nhân dân Việt Nam đã đến thăm chúng tôi nhân dịp chúng tôi được hồi hương. Riêng tôi, tôi đã khóc khi một bà già nắm vai tôi nói với tôi những câu bằng tiếng Việt ý muốn nói những lời chúc mừng tôi như một người mẹ hiền nói với con trai mình".

Từ đó, với câu hỏi vì sao Việt Nam giành thắng lợi, những người lính đã có câu trả lời. Lý giải về kết cục của cuộc chiến, binh nhì Mohamed Ben Lancen cho rằng:

“Nhân dân Việt Nam anh hùng đoàn kết vì một lý tưởng đã chiến đấu bằng tất cả sức mạnh của mình để chiến thắng quân đội viễn chinh Pháp được trang bị vũ khí hiện đại và máy bay của Mỹ. Nguồn gốc thắng lợi của nhân dân Việt Nam chính là sự nghiệp đúng đắn vì nền độc lập dân tộc của mình, trong khi đó thì quân đội viễn chinh Pháp chiến đấu chỉ vì mục đích kiếm tiền. Đại đa số chúng tôi chỉ là con em công nhân được tuyển dụng vì sự đói nghèo và thất nghiệp”. 

Sau khi rời mảnh đất tự do của Việt Nam, họ tự nguyện sẽ là những chiến sĩ hoà bình đi tiên phong trong cuộc đấu tranh, gắn bó mật thiết với các tổ chức dân chủ.

Dong Duong,  Vo Nguyen Giap,  Dien Bien Phu anh 2
Quân Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ, nhưng chính lòng khoan dung, nhân hậu của người Việt khiến họ không có cảm giác căm thù. 

Cuốn sách Chiến tranh Đông Dương qua tiếng nói của binh lính Pháp được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) tập hợp từ một số thư và cảm tưởng do chính các sĩ quan và binh lính trong quân đội viễn chinh Pháp tự tay viết trong thời gian bị bắt làm tù binh tại nhiều mặt trận và đã được trao trả tự do trong nhiều đợt.

Nội dung sách gồm 5 phần: Phần thứ nhất tuyển chọn những bức thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, phần thứ hai là những bức thư gửi Quốc hội, Mặt trận Liên Việt, Quân đội Nhân dân Việt Nam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; phần thứ ba là thư gửi các tổ chức quốc tế, các tổ chức dân chủ Pháp và nhân dân châu Phi, phần thứ tư gồm thư gửi lực lượng viễn chinh Pháp, gia đình và bạn bè, phần thứ năm là cảm tưởng của tù binh Pháp. Bên cạnh đó, tác phẩm còn có thêm phụ lục nhằm làm rõ hơn nội dung sách.

Thời gian trôi đi, lịch sử đã sang trang mới, quan hệ Việt - Pháp đến nay đã có nhiều bước tiến đáng kể. Những điều tốt đẹp có được ngày hôm nay trong quan hệ giữa hai nước chắc chắn không thể thiếu được sự đóng góp bởi một phần không nhỏ từ lòng khoan dung, vị tha của nhân dân Việt Nam đối với tù binh Pháp - những người bại trận trong quá khứ.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm