Ngày 4/9, Tại cuộc họp giao ban phòng, chống dịch Covid-19 với các sở, ngành, địa phương, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương giao ngành y tế phối hợp với công an tỉnh và các ngành có liên quan tham mưu phương án cho phép ra đường đối với người đã được tiêm 2 mũi vaccine và 1 mũi sau khi đã tiêm được 20 ngày.
Bình Dương yêu cầu ngành y tế đảm bảo năng lực tiêm tới 100.000 liều/ngày và phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan vận động người dân đi tiêm vaccine với phương châm "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất". Quyết tâm đến ngày 15/9 đưa Bình Dương trở lại trạng thái "bình thường mới".
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương vừa có văn bản chấp thuận chủ trương chi hỗ trợ cho các trường hợp F0 khỏi bệnh tình nguyện tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, tỉnh có mức chi hỗ trợ để khuyến khích các F0 đã khỏi bệnh tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Dự kiến có khoảng 1.200 trường hợp F0 khỏi bệnh tình nguyện tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Theo đó, chế độ phụ cấp chống dịch đối với khoảng 800 người phục vụ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 là 200.000 đồng/người/ngày; mức 150.000 đồng/người/ngày đối với khoảng 400 người phục vụ tại các cơ sở cách ly y tế tập trung. Hỗ trợ tiền ăn theo mức quy định 80.000 đồng/người/ngày.
Bình Dương tiêm vaccine cho người dân TP Thuận An. Ảnh: VNVC |
Trao đổi với Zing, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết ngày 4/9, địa phương này ghi nhận 2.485 ca mắc mới. Số ca mắc toàn tỉnh giảm 32,4% so với ngày 3/9.
Theo ông Chương, số ca mắc mới ở địa phương này giảm liên tiếp trong hai ngày qua là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy công tác khoanh vùng, "khóa chặt, đông cứng" và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng của Bình Dương đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, để đánh giá thì cần thêm thời gian ít nhất một tuần nữa.
Ông Chương cho biết việc "khóa chặt" và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng giống như "nhặt sạn", khi bóc tách dần thì số F0 có xu hướng giảm.
Theo người đứng đầu ngành y tế Bình Dương hiện nay tỉnh này đang triển khai chiến lược quét xét nghiệm nhiều lần trong cộng đồng dân cư và các khu nhà trọ. "Xét nghiệm tới đâu chúng tôi làm sạch tới đó và khóa chặt lại để tránh tái lây lan", ông Chương nói.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo từ cộng đồng các khu nhà trọ, chỗ ở của công nhân, nhà máy, xí nghiệp, Bình Dương yêu cầu các huyện, thị phải chủ động phối hợp với doanh nghiệp, vận động các chủ nhà trọ và người thuê trọ tổ chức thí điểm sắp xếp lại từng phòng trọ, khu nhà trọ. Sau khi xét nghiệm sàng lọc Covid-19 xong, sẽ thực hiện mô hình các nhà trọ xanh.
Về chiến lược vaccine, trong 3 ngày qua, Bình Dương đã tiêm được hơn 200.000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm, chiếm khoảng 20% trong tổng số 1 triệu liều được tiêm.
Tính đến 16h ngày 4/9, lũy kế toàn tỉnh ghi nhận đã tiêm 1.134.176 liều (1.088.096 mũi 1, 46.080 mũi 2)
Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, đến ngày 4/9, toàn tỉnh ghi nhận 128.893 ca nhiễm Covid-19, trong số này có 75.896 trường hợp khỏi bệnh, xuất viện.
Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh là 1 trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, do ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới) bình chọn.
Với mục tiêu trở thành đô thị loại I, thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ, gắn với chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo lộ trình.