Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ở Bình Dương ước đạt 34,5 tỷ đồng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo báo cáo từ Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của tỉnh ước đạt 34,5 tỷ USD, tăng 13% so với năm ngoái, vượt kế hoạch năm gần 3%. Kết quả này đồng thời đưa giá trị xuất khẩu của Bình Dương chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Trong đó, 6 mặt hàng chủ lực của tỉnh gồm gỗ, dệt may, giày dép, sắt thép và sản phẩm điện tử, dự kiến đóng góp hơn 19 tỷ USD, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu gỗ tăng gần 18%, đạt 6,5 tỷ USD, trong khi hàng dệt may cũng tăng 15%, đạt 3,2 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 12%, chủ yếu từ các mặt hàng nguyên liệu sản xuất và máy móc thiết bị, với Trung Quốc là thị trường cung ứng lớn nhất.
Với tình hình kể trên, Bình Dương dự kiến ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 10 tỷ USD năm nay. Kết quả này không chỉ góp phần quan trọng vào thặng dư thương mại quốc gia mà còn khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế khu vực phía Nam của tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nhận định kết quả xuất siêu 10 tỷ USD là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp trong tỉnh có sức chống chịu tốt trước tác động của thị trường và chủ động thích ứng có hiệu quả trong sản xuất, xuất khẩu.
Theo ông, các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Đây là nền tảng quan trọng để Bình Dương duy trì sự phát triển bền vững.
Đại diện Sở Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, giao lưu, xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin kịp thời cho hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thông qua các chương trình giao ban định kỳ hàng tháng của Bộ Công Thương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá thặng dư thương mại hơn 10 tỷ USD là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghiệp, chuyển đổi số, và các chính sách ưu đãi để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025.
Đồng thời, với các dự án đầu tư lớn như Nhà máy Lego trị giá 1,3 tỷ USD, dự kiến hoạt động đầu năm 2025, Bình Dương đang dần khẳng định vị thế "thủ phủ" công nghiệp, đồng thời hướng tới trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ xanh và bền vững.
Công trường nhà máy Lego tỷ USD ở Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Nhằm tiếp tục đà tăng trưởng, Bình Dương cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghiệp và logistics, tập trung nâng cấp các trung tâm logistics và mở rộng kết nối vận tải, đặc biệt là các tuyến đường chiến lược liên kết cảng và khu công nghiệp.
Song song đó, tỉnh đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ tiếp cận thị trường quốc tế, tổ chức hội chợ, đến các chương trình kết nối giao thương.
Đặc biệt, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số, sản xuất thông minh, tự động hóa và xây dựng quản lý chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến xuất khẩu, nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, Bình Dương cũng chú trọng đào tạo nhân lực xuất khẩu chất lượng cao phục vụ cho các ngành xuất khẩu chiến lược. Đồng thời, hỗ trợ tài chính và thủ tục pháp lý và cung cấp các gói vay ưu đãi và tư vấn doanh nghiệp về quy định pháp luật tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ. Bình Dương cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.