Bình Dương gần đây nổi lên như một điểm sáng trong việc thu hút các dự án phát triển theo xu hướng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero. Trong đó, nhà máy 1,3 tỷ USD của Lego là một trong những dự án có số vốn đầu tư lớn nhất, dự kiến tạo ra 4.000 việc làm.
Đáng nói, đây là nhà máy đầu tiên trên thế giới của Lego được thiết kế với mục tiêu trung hòa carbon và cũng là dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của tập đoàn này.
Loạt ông lớn xây nhà máy "xanh"
Lego cho biết nhà máy sẽ sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, đáp ứng tiêu chuẩn LEED Gold - chứng chỉ xây dựng xanh được công nhận toàn cầu.
Bên cạnh đó, khuôn viên dự án còn trồng 50.000 cây xanh trên diện tích 30 ha theo phương pháp Miyawaki, sử dụng cây bản địa Việt Nam, đồng thời lắp đặt hơn 12.500 tấm pin mặt trời trên mái nhà với công suất 7,4 MW, cùng trang trại năng lượng mặt trời trên khu đất lân cận để cung cấp năng lượng vận hành.
Một góc khu công nghiệp VSIP 3 ở Bình Dương, nơi Lego và Pandora đặt các nhà máy "xanh" quy mô lớn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngay bên cạnh nhà máy của Lego, một nhà đầu tư Đan Mạch khác là Tập đoàn Pandora đầu tư hơn 150 triệu USD để xây dựng cơ sở thứ 3 của Pandora trên thế giới.
Đáng chú ý, dự án này tích hợp các yếu tố bền vững từ thiết kế, xây dựng đến vận hành. Đồng thời, Pandora cũng sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo, đạt tỷ lệ tái chế chất thải cao và cam kết đảm bảo các tiêu chí bền vững cao nhất.
Không chỉ các tập đoàn quốc tế, nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng phát triển xanh.
Gần đây nhất, tỉnh vừa khởi công Cụm công nghiệp Tam Lập 2 tại huyện Phú Giáo, với diện tích 50 ha và vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Cụm công nghiệp này sẽ thu hút các ngành nghề như may mặc, điện tử, viễn thông, chế biến thực phẩm, sản xuất nội ngoại thất...
Tại đây, các nhà máy sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến, giảm thiểu phát thải và xây dựng môi trường sản xuất xanh - sạch, hướng tới phát triển bền vững.
Trong lễ khởi công, chủ đầu tư là Tập đoàn Gia Định cam kết sử dụng công nghệ sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái, đồng thời tham gia vào các chương trình an sinh xã hội nhằm cải thiện đời sống cộng đồng.
Trước đó, Tập đoàn SEP từ Hàn Quốc cũng đã công bố kế hoạch dự kiến đầu tư hơn 200 triệu USD để xây dựng Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon, tập trung vào ngành giày da và cơ sở hạ tầng giảm phát thải carbon, trên diện tích 180 ha tại huyện Phú Giáo.
Bên cạnh các dự án mới, nhiều doanh nghiệp hiện hữu dù được xây dựng từ nhiều năm trước cũng hướng tới mục tiêu xanh, điển hình như Vinamilk.
Nhà máy Vinamilk tại Bình Dương là nhà máy lớn nhất của Vinamilk với công suất hơn 800 triệu lít/năm và có thể mở rộng lên đến 1,2 tỷ lít/năm. Quy trình khép kín, tự động hóa 100% từ khâu nhập liệu đến kho thành phẩm.
Bên trong nhà máy còn sử dụng các robot LGV để vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa. Những robot này không chỉ tự sạc điện mà còn tối ưu hóa lộ trình di chuyển, tiết kiệm năng lượng và giảm 62% lượng khí thải CO2 so với xe nâng truyền thống.
Nhà máy Vinamilk ở Bình Dương sử dụng các robot LGV để vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa. Ảnh: VNM. |
Các pallet thành phẩm sẽ được robot LGV đưa vào đường ray tự động chuyển vào kho thông minh. Kho này có sức chứa gần 30.000 lô hàng trên diện tích chỉ 6 ha, được vận hành hoàn toàn tự động, giúp giảm 70% lượng khí thải CO2 so với hệ thống kho truyền thống.
Tiên phong phát triển kinh tế xanh
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, dòng vốn xanh từ các tập đoàn lớn trên thế giới có chiều hướng gia tăng tại Bình Dương, mở ra triển vọng cho sự phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt khi hạ tầng công nghiệp và giao thông được đầu tư hoàn thiện.
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới sẽ tập trung vào các ngành công nghệ cao và kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, các dự án sẽ được chọn lọc kỹ càng, ưu tiên những dự án có hàm lượng công nghệ cao, tác động môi trường thấp nhưng mang lại giá trị gia tăng lớn.
Thực tế, định hướng này phù hợp với xu thế toàn cầu và nhận được sự đồng thuận từ các nhà đầu tư. Điển hình, các tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc), Far Eastern (Đài Loan, Trung Quốc)... khi gặp lãnh đạo tỉnh đều cam kết áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng nhiên liệu sạch, hướng tới phát triển bền vững.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến hết tháng 11 năm nay, Bình Dương đã vượt Hà Nội để vươn lên vị trí thứ hai cả nước với tổng vốn FDI đạt gần 42,4 tỷ USD từ 4.378 dự án còn hiệu lực. Qua đó, tỉnh chiếm 8,5% số vốn ngoại tại Việt Nam.
Tính riêng 11 tháng đầu năm, "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương đã thu hút hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư, vượt mục tiêu cả năm và nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu về FDI, chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% vốn đầu tư cả nước.
Bình Dương vượt Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về hút vốn FDI. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư Bình Dương hồi tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tiềm năng khác biệt của tỉnh, nhất là vị trí chiến lược kết nối các vùng trọng điểm quốc gia và quốc tế.
Với những tiềm năng hiện có, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương khai thác tối đa lợi thế này để phát triển bứt phá, đặc biệt thông qua "3 tiên phong".
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh Bình Dương cần tiên phong trong việc phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm, với trọng tâm là số hóa và xanh hóa nền kinh tế.
Đồng thời, địa phương cũng cần tiên phong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương tiên phong kết nối kinh tế vùng, quốc gia và quốc tế, nhấn mạnh giao thông xanh và số hóa. Cụ thể, Bình Dương cần kết nối Tây Nguyên qua Bình Phước, Tây Nam Bộ qua TP.HCM và quốc tế thông qua cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh với vị thế là cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế phía Nam và nằm trong nhóm 3 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, Bình Dương cần tiếp tục phát huy vai trò thủ phủ công nghiệp hiện đại.
Ông bày tỏ kỳ vọng địa phương sẽ sớm trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, theo định hướng thành phố thông minh, đáp ứng mong đợi của người dân và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ. Bình Dương cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.