Chiều 8/12, đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương chất vấn và đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương Hồ Quang Điệp nói rõ kế hoạch quản lý các học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - Lao động và Tạo việc làm Bình Dương trong thời gian tới để không xảy ra tình trạng học viên trốn trại.
Giải trình trước các đại biểu, ông Điệp cho biết từ đầu năm đến nay, số học viên cai nghiện tại trung tâm luôn ở mức 900 đến gần 1.000 người, gồm cả những đối tượng đã có quyết định của tòa án đưa vào cai nghiện bắt buộc, đối tượng cai nghiện tự nguyện và đối tượng lưu trú trong thời gian hoàn tất hồ sơ chờ tòa án xem xét ra quyết định.
Học viên tại Trung tâm Giáo dục - Lao động và Tạo việc làm Bình Dương đang học nghề thủ công.
|
Thời gian gần đây các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM xảy ra tình trạng học viên nổi loạn, trốn trại nên Sở LĐ-TB&XH đã đề xuất Sở Nội vụ tăng cường tuyển thêm 20 người vào lực lượng bảo vệ cho trung tâm.
Ngoài ra, Ban giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, UBND huyện Phú Giáo đã xuống trung tâm khảo sát địa hình để có phương án ngăn chặn học viên bỏ trốn.
“Nắm bắt được nguyên nhân học viên bỏ trốn ở các tỉnh lân cận là do chính sách ăn ở không tốt và bị quá tải nên chúng tôi đã rà soát chế độ chính sách, trao đổi với anh em học viên, giải thích với họ rằng người nghiện cần được điều trị và phải cố gắng để nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi tập chung sửa chữa tường rào, phòng vệ sinh... nâng cấp nhiều khu vực”, ông Điệp trả lời.
Về giải quyết việc làm cho những học viên cai nghiện trở lại cộng đồng, Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm hằng năm đều tổ chức đào tạo nghề dân dụng, uốn tóc, lái xe nâng, sửa xe máy cho các học viện. Tuy nhiên, do sự kỳ thị nên rất ít doanh nghiệp nhận người sau cai nghiện vào làm việc.
“Vì vậy, để giải quyết vấn đề này trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận những lao động sau khi cai nghiện. Vì vậy sẽ có hiệu quả trong công tác tái nghiện”, Giám đốc LĐ-TB&XH mong muốn.