Trong thời gian 90 phút, nhiều nội dung liên quan được cung cấp đến người dân như công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho người dân; phương án tổ chức lại sản xuất của doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ; việc lưu thông, đi lại và một số nội dung người dân quan tâm trong trạng thái bình thường mới.
6/9 địa phương của tỉnh công bố vùng xanh
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết để bảo vệ vùng xanh, tỉnh đã khóa chặt vùng đỏ. Với việc thực hiện giãn cách của người dân, vùng đỏ áp dụng Chỉ thị 16, vùng xanh áp dụng Chỉ thị 15. Bình Dương đã có 6/9 địa phương công bố vùng xanh. Dự kiến sau một tuần nữa, một số phường vùng xanh ở các địa phương còn lại sẽ trở về trạng thái bình thường mới.
Ở các địa phương vùng xanh, hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhu yếu phẩm đã dần hoạt động trở lại trong điều kiện phải đảm bảo an toàn.
Với trạng thái bình thường mới, ông Minh cho biết các doanh nghiệp sẽ dần hoạt động trở lại với quy định "3 xanh": Nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh. Tỉnh dự kiến xây dựng các chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; bảo đảm việc tổ chức sản xuất, phân phối, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu.
Người dân xuất trình giấy tờ khi qua chốt kiểm soát tại quốc lộ 13, đoạn giáp ranh giữa TP Thủ Dầu Một và TP Thuận An (Bình Dương). Ảnh: Phạm Ngôn. |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết Bình Dương bước đầu kiểm soát được dịch, việc mở rộng vùng xanh đang tiến triển khá tốt. Có được điều này là nhờ công sức và đóng góp rất lớn của lực lượng chi viện từ các tỉnh bạn, sự hỗ trợ của người dân và doanh nghiệp.
Hơn 20 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ lực lượng y tế để điều trị F0 tại tầng 2, tầng 3. Đội ngũ y bác sĩ đã hy sinh thầm lặng, ngay cả y bác sĩ nghỉ hưu cũng xin tình nguyện vào điều trị F0 tại bệnh viện.
Đội ngũ y tế cũng tham gia lấy mẫu xét nghiệm, thiết lập phòng xét nghiệm. Ban đầu công suất chỉ 2.000 mẫu đơn/ngày, giờ đã tăng gấp 10 lần.
Lực lượng tư vấn, lãnh đạo Bộ Y tế cũng xuống cùng với tỉnh nắm tình hình, tư vấn. Lực lượng công an, quân sự hỗ trợ rất nhiều trong việc kiểm soát đi lại, lo an sinh xã hội.
Ngoài ra, Bình Dương cũng được hỗ trợ gần 700 tỷ đồng từ người dân, doanh nghiệp để mua thiết bị y tế, sinh phẩm…
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hồng Chương cũng nhìn nhận việc Bình Dương thành công trong phòng, chống dịch dựa rất nhiều vào lực lượng chi viện từ tỉnh bạn. Hiện, lực lượng chi viện còn 1.800 người ở lại Bình Dương; khi tình hình ổn định trở lại, lực lượng này sẽ rút về.
Ngoài ra, ngành y tế Bình Dương sẽ phải thiết lập hệ thống y tế điều trị Covid-19 từ huyện đến tỉnh; đồng thời tổ chức, phân phối lại lực lượng hợp lý hơn.
Điều kiện trở lại sản xuất cho doanh nghiệp
Trả lời câu hỏi về điều kiện để quay lại sản xuất, ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban quản lý KCN Bình Dương, cho biết các doanh nghiệp có thể thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “2 địa điểm 1 cung đường”. Với tất cả mô hình này, các doanh nghiệp cần tầm soát để mầm bệnh không vào nhà máy.
Hiện, sau khi có chủ trương của tỉnh sau 15/9 các doanh nghiệp quay lại hoạt động thì gần 53.000 công nhân đã đăng ký quay lại làm việc.
Theo ông Trí, trong giai đoạn đầu, khi thực hiện 3 tại chỗ thì doanh nghiệp còn bị động. Nhưng qua 2 tháng, doanh nghiệp đã có kịch bản ứng phó với F0 chủ động hơn.
Khi F0 xuất hiện, doanh nghiệp phong tỏa khu vực hẹp tại phân xưởng đó, tách riêng F0, khử khuẩn khu vực và báo cho cơ quan y tế. Tỉnh yêu cầu trong 30 phút thì cơ quan y tế phải đến hỗ trợ doanh nghiệp và tối đa 3 ngày phải đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp cũng phải kích hoạt lại các phòng y tế để chủ động hơn.
Bình Dương cũng là tỉnh đầu tiên xây dựng mô hình trạm y tế lưu động trong KCN. Tỉnh yêu cầu đến 15/10, các KCN phải triển khai được các trạm y tế lưu động. Ngày 17/9, tỉnh sẽ triển khai trạm đầu tiên.
Đã tiêm phủ vaccine mũi 1 gần 100% dân số Bình Dương
Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết ngành y tế tỉnh sẽ thiết lập lại hệ thống y tế theo hướng bình thường mới. Ngoài trạm y tế xã truyền thống, Sở lập thêm trạm y tế lưu động, vùng đỏ sẽ có 2 trạm và vùng xanh có 1 trạm. Những trạm này sẽ giúp người dân tiếp cận y tế khi cần và phục vụ truy vết, xét nghiệm. Mỗi khu, cụm công nghiệp sẽ có 1 trạm.
Trạm y tế tuyến huyện trở về trạng thái khám chữa bệnh thông thường đồng thời thành lập riêng các đơn vị điều trị Covid-19 tuyến huyện. Tuyến tỉnh thành lập ít nhất 2 trung tâm cấp cứu Covid-19.
Về công tác tầm soát Covid-19, ông Chương cho biết ngành y tế sẽ xét nghiệm trọng điểm ở những nơi có nguy cơ cao. Tỉnh xét nghiệm 20% dân số ở vùng xanh với tần suất 7 ngày 1 lần. Vùng đỏ xét nghiệm 100% cư dân.
“Hiện, cơ bản 100% dân số Bình Dương đã được tiêm vaccine, khi có vaccine tiếp thì sẽ tiêm mũi 2 cho toàn dân. Tỉnh hy vọng khi tiêm đủ thì dân Bình Dương sẽ có miễn dịch cộng đồng. Khi người dân có miễn dịch thì cơ sở hoạt động sẽ được nới rộng, việc xử lý các ổ Covid-19 cũng không nặng nề như bây giờ”, ông Chương chia sẻ và cho biết vaccine đợt 2 sẽ được tiêm trong thời gian tới nhưng tỉnh không chủ động được mà phải chờ sự phân bổ của Bộ Y tế.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết Sở đã triển khai học trực tuyến trong 2 tháng đầu năm học. Khi tỉnh kiểm soát được dịch, Sở đã trình 4 phương án:
- Vùng xanh có thể trở lại học trực tiếp nhưng phải thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế và tiêm vaccine cho học sinh.
- Vùng có nguy cơ sẽ cho 70% học sinh học trực tiếp, 30% trực tuyến.
- Vùng nguy cơ cao hơn thì 50/50.
- Ở các điểm đỏ thì học trực tuyến 100%.
Sở đã lên phương án tập huấn cho thầy trò về phương án học trực tuyến sao cho hiệu quả.
Mở từng bước chợ truyền thống
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, cho biết sau 15/9, việc mở rộng cơ sở dịch vụ, ăn uống là cần thiết, nhưng sẽ theo lộ trình. Hiện, cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm đã hoạt động, đáp ứng cho người dân và công nhân lao động. Sở Công Thương cũng sẽ sớm đưa chính sách đến hộ kinh doanh cá thể để sản xuất trở lại.
Sở Công Thương xây dựng 10 tiêu chí để mở lại chợ truyền thống, 80-100 điểm là đạt và thí điểm mỗi huyện mở lại 1 chợ, trên tinh thần tuân thủ 5k. Mỗi chợ có bổ sung tổ y tế lưu động.
“Chúng tôi sẽ mở rộng từng bước chợ truyền thống với nguyên tắc tuân thủ đủ các tiêu chí: Tiểu thương phải được tiêm 1 mũi vaccine; tiểu thương đều được test Covid-19 3 ngày/lần; quét mã QR để kiểm tra người ra vào chợ; người dân phải tuân thủ 5K của Bộ Y tế”, ông Toàn chia sẻ.
Về việc giảm tiền điện cho người dân, ông Toàn cho biết Bộ Công thương đã ban hành văn bản giảm giá tiền điện cho người dân. Sở Công Thương cũng ban hành văn bản hướng dẫn, cụ thể đối với hộ dùng đến 200 KW thì được giảm 20%, trên 200 KW thì được giảm 10%.
Hỗ trợ hộ nghèo, trẻ em mồ côi do Covid-19
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết trong thời gian qua, đặc biệt từ tháng 8 tới nay, Bình Dương đã tổ chức đưa hơn 3.000 người dân 12 tỉnh, thành phố về quê. Bình Dương không cấm người ngoại tỉnh về quê nhưng tỉnh cũng chưa có chủ trương. Người có nhu cầu nên liên hệ với chính quyền địa phương, người thân, hội đồng hương; tỉnh sẽ hỗ trợ dựa theo danh sách đăng ký để kết nối.
Về việc hỗ trợ cho người lao động, hộ nghèo còn nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết từ ngày 22/8 đến nay, tỉnh đã có một số chính sách hỗ trợ về gạo cho người dân. Dù có chính sách hay không, tỉnh không để bất cứ trường hợp nào thiếu ăn thiếu mặc. Người dân có thể gọi thẳng lên tổng đài 1022 để nhận được hỗ trợ.
Đối với việc hỗ trợ trẻ mồ côi do ba mẹ mất vì Covid-19, Giám đốc Sở LĐTB&XH Lê Minh Quốc Cường cho biết trẻ có ba mẹ mất vì Covid-19 sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/em. Đối với trường hợp gia đình chưa đăng ký tạm trú, Phòng Lao động sẽ cập nhật danh sách, gửi về Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Bình Dương để hỗ trợ bổ sung.
Đối với hỗ trợ của tỉnh, trẻ em có cha mẹ mất từ 27/4 đến 31/12/2021, tỉnh sẽ hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng với cấp tiểu học, 800.000 đồng/em/tháng với trẻ ở cấp THCS và 1,2 triệu đồng/em/tháng với cấp THPT. Ngoài ra, Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh sẽ tiếp nhận các trẻ em chưa có người chăm sóc.
Trong gần 2 giờ phát sóng, chương trình đã nhận gần 4.000 câu hỏi từ người dân gửi về qua kênh Zalo. Người dẫn chương trình cho biết đã chắt lọc những câu hỏi tiêu biểu để gửi đến cho lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các ngành Y tế, Công Thương, Giáo dục, Lao động...
Việc cung cấp thông tin trực tiếp trên sóng Đài PTTH Bình Dương giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là phương án tổng thể đưa địa phương trở lại trạng thái bình thường mới sau ngày 15/9.
Vừa qua, tỉnh Bình Dương công bố tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch và sẽ cho phép người dân lưu thông trên địa bàn huyện, thị, thành phố từ ngày 16/9 đến 20/9. Sau ngày 20/9, tỉnh cho phép người dân lưu thông trong phạm vi toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết 3 tháng chống dịch là cuộc chiến chưa từng có tiền lệ. Thủ tướng đã chỉ đạo mỗi xã, phường là một pháo đài, hiện Bình Dương có 51% vùng xanh, 49% vùng đỏ và vàng. Tỉnh mong người dân cùng đồng lòng để đẩy nhanh công tác xét nghiệm diện rộng, tiêm vaccine ngừa Covid-19 và cố gắng giữ chặt vùng xanh.